Hoài niệm một Hà Nội phố

Hà Nội của những hồi ức đẹp mang dấu ấn hơn 100 năm trước được tái hiện bên một Hà Nội hiện đại, hội nhập. Hà Nội 36 phố phường thời xa ngái với đôi chút vắng vẻ, đơn sơ song ngăn nắp, nhẹ nhàng, đậm đà những giá trị truyền thống… hiện diện trong 'Hoài niệm Hà Nội phố'.

Nơi gặp gỡ của những người yêu Hà Nội

Hà Nội… của hơn 100 năm trước, Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với điểm nhấn là khu phố cổ (nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội 36 phố phường” thuở xưa) và các công trình mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu được xây dựng từ thời Pháp thuộc… đã được trưng bày trong triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố”.

Ảnh nguồn internet

Những hồi ức đẹp ấy được tái hiện với hơn 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật… phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Hà Nội đã được trưng bày trong triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” những ngày qua.

Những bức ảnh đen trắng, những yết thị bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hán… mang tính chuyên ngành lưu trữ nhưng được đánh giá là tư liệu quý lần đầu tiên được công bố công khai đến công chúng. Ở từng phần của “Hoài niệm Hà Nội phố” người xem được chứng kiến những góc kiến trúc rất đặc trưng khu phố cổ – nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội 36 phố phường” thuở xưa; Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo; Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học lâu đời nhất Việt Nam; thắng cảnh Hồ Tây cùng nhiều di tích lịch sử bao quanh; hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á – Âu thời Pháp thuộc… Bên một Hà Nội cổ kính, một Hà Nội phản ánh một đời sống tiểu thương tấp nập, một đời sống phố thị của trước 100 năm; còn là Hà Nội với những thời điểm lịch sử.

Tại đây, công chúng cũng được xem một yết thị cho thấy tính dân chủ rất lớn trong quản lý đô thị thời bấy giờ. Yết thị ngày 2/5/1925 thông báo về việc mở rộng phố Hàng Đậu ra 20 thước Tây. Yết thị nêu rõ: Thành phố sẽ mở cuộc khảo sát công về việc mở rộng phố Hàng Đậu, giấy tờ liên quan được để tại Tòa đốc lý Hà Nội. Nhân dân có thể đến xem và khiếu nại hay thiệt thông qua việc biên vào quyển sổ riêng đặt tại đó. Bằng yết thị này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dù đó chỉ là bản dân chủ thuộc địa, nhưng từ thời đó người dân được tham gia vào việc xây dựng đô thị. Nhà cai trị có sử dụng thủ thuật bảo vệ quyền lợi của chính quyền nhưng họ tuân thủ nguyên tắc mô hình dân chủ phương Tây.

Ngoài ra, người xem còn được tận mắt tìm hiểu các văn bản về việc mở rộng đường phố, đặt tên phố. Trong đó có Nghị định số 571 ngày 2/9/1930 của quan cai trị - Đốc lý Hà Nội về việc bổ nhiệm một Ủy ban lựa chọn tên của một số người Pháp hoặc người An Nam để đặt tên cho những tuyến đường của Thành phố đang được đánh số. Quy luật đặt tên thời đó cho đến ngày nay vẫn còn nhiều điều để học hỏi.

Một Hà Nội hiện hữu với đủ đầy dấu ấn, “Hoài niệm Hà Nội phố” đã tạo nên cơ hội cho cuộc gặp gỡ của những người yêu Hà Nội. Và cuộc gặp đó không chỉ dành riêng cho những người nghiên cứu, các chuyên gia mà cho cả công chúng đang gắn bó với Thủ đô.

Trăn trở một không gian hoài niệm

“Hoài niệm Hà Nội phố” được đặt tại không gian triển lãm Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 18 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Phát biểu tại lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: “Điểm mới của triển lãm này là phương thức biểu hiện. Nghệ thuật sắp đặt và thiết kế kiến trúc không gian kết hợp với những tài liệu, hiện vật phiên bản, hình ảnh công nghệ hiện đại... khiến triển lãm không đơn thuần là nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu lưu trữ, mà thực sự là không gian sinh động, nơi quý khách có thể chiêm ngưỡng, hòa mình và cảm nhận”.

Không gian triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” được bố trí rất hiện đại. Cổng vào triển lãm không phải trang trí thông thường mà tái dựng chiếc cổng từ hình ảnh Ô Quan Chưởng. Ngay sau khi bước vào không gian triển lãm là chiếc xe kéo thể hiện lối sống của Hà Nội đầu thế kỷ 20, rồi đến chủ đề của triển lãm. Các chủ đề được thể hiện đa dạng dưới dạng hình ảnh, thước phim tư liệu… Khách tham quan triển lãm còn được tìm hiểu về kỹ thuật cũng như chế độ bảo quản các tài liệu lưu trữ quốc gia và các di sản tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” là sự kiện văn hóa có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018) nhằm giới thiệu cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như công chúng quan tâm tiếp cận, tìm hiểu toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội hơn 100 năm qua. Việc tổ chức sự kiện không chỉ có ý nghĩa về phương diện phát huy các giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia mà còn thể hiện mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước với lưu trữ các nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế, đặc biệt là Đại sứ quán Cộng hòa Pháp.

Với ý nghĩa đặc biệt, theo kế hoạch “Hoài niệm Hà Nội phố” sẽ diễn ra từ ngày 6/9 - 31/12. Như vậy, triển lãm đang trong những ngày đầu diễn ra. Song theo ghi nhận, “Hoài niệm Hà Nội phố” chưa thực sự thu hút được công chúng. Phải chăng “Hoài niệm Hà Nội phố” chưa nhiều người biết đến, những giá trị tinh thần của Triển lãm chưa đến được với công chúng.

“Hoài niệm Hà Nội” phố đã bằng những tài liệu, tư liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, phục vụ các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Thủ đô, đồng thời cung cấp thông tin lưu trữ gốc giúp các nhà quản lý đô thị, quản lý văn hóa đưa ra những biện pháp cải tạo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại cùng xu hướng hội nhập quốc tế tất yếu hiện nay. Hi vọng rằng những giá trị ý nghĩa này sẽ tiếp tục đến được với đông đảo công chúng trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.

Như ý

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//hoai-niem-mot-ha-noi-pho_n41193.html