Hoại tử do tự trị bệnh bằng đắp lá, dán cao

Vừa qua, không ít trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng hoại tử da, tính mạng bị đe dọa, do các ổ áp xe lan rộng sau khi được gia đình 'trị bệnh' bằng đắp lá, dán cao.

Cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện ngay khi bị rắn cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu - Ảnh: ShutterStock

Ổ áp xe do dán cao trị mụn

Bệnh viện (BV) đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị cho bệnh nhi Đ.H.T (2 tuổi, trú H.Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, sút cân. Các bác sĩ khẩn trương thăm khám và chẩn đoán: bệnh nhi bị hoại tử da do áp xe vùng bụng trái.

“Da của trẻ em rất nhạy cảm và dễ tổn thương khi bị tác động. Khi gia đình thấy có bất thường trên da của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, cần đưa trẻ đi khám, không nên dùng các loại thuốc cao dán bởi các loại cao này có chứa các hóa chất gây bỏng da của trẻ và sẽ dẫn đến hoại tử da”, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV đa khoa Đức Giang, khuyến cáo.

Mẹ của cháu bé kể lại: “Mấy hôm trước thấy con có mụn ở bụng trái, mua thuốc cho con uống nhưng mụn vẫn to thêm nên mua cao dán vào. Sau đó, mụn của con trở nên to hơn bề mặt dán cao, vỡ loét rồi sốt cao”.

Đ.H.T được điều trị tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - BV đa khoa Đức Giang.

Tại đây, các y bác sĩ đã phải dùng máy hút dịch từ ổ áp xe, lấy ra dịch mủ tối màu, mùi hôi; thực hiện phẫu thuật cắt lọc phần hoại tử tại thành bụng trái và dùng máy hút áp lực âm (giúp loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện máu đến mô và thúc đẩy quá trình liền vết thương) để bảo tồn vùng da thành bụng, đồng thời cho bệnh nhi dùng kháng sinh đẩy lui tình trạng viêm nhiễm.

Hoại tử cánh tay do đắp lá

Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ khuyến cáo về tình trạng nhiều bệnh nhi đến điều trị muộn do gia đình trì hoãn gây tai biến nặng, mới nhất là trường hợp bé trai T.K.V (10 tuổi, ở Bắc Kạn).

Sau khi bị rắn độc cắn vào tay, T.K.V được gia đình lấy lá và đậu lào đắp lên vết cắn. Vài giờ sau, trẻ đau nhức, xuất hiện sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa trẻ đến BV đa khoa tỉnh Bắc Kạn, sau đó chuyển đến Khoa Nhi - BV Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, phụ trách Khoa Nhi - BV Bạch Mai, xác nhận bệnh nhi T.K.V nhập viện trong tình trạng hoại tử rộng trên mu bàn tay trái (do bị rắn cắn) gồm toàn bộ cả ngón tay út và áp út, các ngón khác của bàn tay này cũng bị sưng tấy. Nặng nề hơn, vùng hoại tử đã thâm đen và lan lên cánh tay trái, lan tiếp đến vùng cổ và hố thượng đòn, cơ ngực lớn trái. Bệnh nhi được làm các xét nghiệm chẩn đoán và được chỉ định sử dụng dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất.

Do bệnh nhân đến viện muộn (18 giờ sau khi bị rắn độc cắn), vết hoại tử đã lan rất rộng, tuy có dấu hiệu phục hồi song liệu trình điều trị cho bệnh nhi sẽ còn nan giải. Sau khi điều trị đủ huyết thanh kháng độc và kháng sinh, bệnh nhi được chuyển viện bỏng quốc gia để xử trí vết thương và hoại tử.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam nói thêm, hiện đang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Trong các tuần gần đây mỗi tuần có 1 - 3 bệnh nhi nhập viện do rắn cắn, phần lớn đến từ Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Kạn, Yên Bái và một số huyện ngoại thành Hà Nội.

“Nhiều bệnh nhi đến BV trong tình trạng muộn, khi đã xuất hiện sưng nề, hoại tử lan rộng, suy hô hấp… Sai lầm lớn nhất trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà cứ loay hoay áp dụng kinh nghiệm dân gian như đắp thuốc lá, chỉ đến khi có các biểu hiện suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Chính sai lầm này khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng của trẻ, do vết thương lúc này đã trở nên trầm trọng, nhiễm độc nặng, hoại tử”, bác sĩ Nam chia sẻ.

“Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại BV, ít nhất trong 12 giờ đầu. Không nên mất thời gian đi tìm thuốc lá để đắp hút nọc độc vì đến muộn sẽ mất cơ hội được cứu chữa”, bác sĩ Nam đặc biệt lưu ý.

Liên Châu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/hoai-tu-do-tu-tri-benh-bang-dap-la-dan-cao-996939.html