Hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao

Ngày 25/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự tại hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự tại hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2019, ngành LĐTB&XH đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ LĐTB&XH đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2012 để tham mưu, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Với phương châm hành động "Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả", năm 2019, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Chương trình công tác với 16 chỉ tiêu cụ thể, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Cụ thể: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị giảm còn khoảng 3,12%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%. Hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, ngành LĐTB&XH đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2018.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019; những cách làm hay trong việc thoát nghèo bền vững. Đồng thời các địa phương kiến nghị một số nội dung như: Đề nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi Pháp lệnh Người công cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng mức trợ cấp bảo trợ xã hội để phù hợp với mức sống hiện tại; bổ sung thêm một số chính sách đối với các hộ mới thoát nghèo…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cáo những thành tích đạt được của ngành LĐTB&XH. Đồng thời khẳng định, với các khâu đột phá trọng tâm trong thực nhiệm vụ, ngành LĐTB&XH đã góp phần quan trọng cùng với Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh - tế xã hội 2019.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành LĐTB&XH là ngành có nhiều mảng công tác liên quan đến tất cả các đối tượng người dân, trong đó một số nhiệm vụ trực tiếp của ngành triển khai còn lại phần lớn mang tính phối hợp kết hợp như công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác bảo trợ, giải quyết chế độ cho người có công… Do vậy, trong thời gian tới, ngành LĐTB&XH cần phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, các ngành, các tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ của ngành ngày càng tốt hơn.

Về nhiệm vụ công tác năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị ngành LĐTB&XH cần tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội; tuyên truyền để người dân nhận thấy tham gia bảo hiểm xã hội vừa là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của toàn ngành LĐTB&XH trong năm 2019 với nhiều dấu ấn.

Ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá (gồm xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động) và 2 ưu tiên (gồm giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em).

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm và xây dựng chiến lược, kế hoạch cho giai đoạn tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong đó có ngành LĐTB&XH phải quyết liệt và sáng tạo hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTB&XH tham mưu Chính phủ chương trình, kế hoạch năm 2020. Xây dựng chiến lược phát triển trong 5 năm tới, trong đó tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công, rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội để kịp thời bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp.

Tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.

Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công. Đẩy mạnh các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Tiếp tục quan tâm tới công tác phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình.

Chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để kịp thời thông tin, giải trình, báo cáo với nhân dân, với xã hội trung thực, chính xác những kết quả tích cực, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động cũng như trong phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật, định hướng điều hành của ngành để giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, chia sẻ và tạo sự đồng thuận cao trong thực thi.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với thị trường lao động, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/hoan-thanh-100-cac-de-an-nhiem-vu-duoc-giao_t114c7n158391