Hoàn thành bàn giao các chi cục quản lý thị trường về Bộ Công Thương

Ngày 5/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ bàn giao các Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam về trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

Bàn giao về Bộ Công Thương 14 chi cục quản lý thị trường miền Trung- Tây Nguyên Bàn giao 28 chi cục quản lý thị trường phía Bắc về Bộ Công Thương Điều động Chánh Văn phòng Bộ Công Thương giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường

Theo đánh giá của Bộ Công Thương tại lễ bàn giao, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố, lực lượng QLTT cả nước không ngừng lớn mạnh về tổ chức, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ. UBND các tỉnh, thành phố cũng đã quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc rất lớn của lực lượng về cơ sở vật chất, xác định rõ về cơ chế phối hợp giữa QLTT và các lực lượng tại địa bàn trong thực thi nhiệm vụ. Cùng với việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, UBND, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố đã hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện xây dựng đội ngũ công chức QLTT vững vàng về tư tưởng chính trị, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, dần trở thành chỗ dựa cho DN, người dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An nhận định, khu vực phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, là một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm, sôi động và phát triển nhất cả nước. Đây cũng là khu vực có diễn biến thị trường hết sức phức tạp. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm… diễn ra ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, do tuyến biên giới dài, nên tình trạng vận chuyển hàng lậu cũng ở mức rất cao.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ bàn giao

“Qua các vụ việc bị phát hiện cho thấy, các đối tượng vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, sử dụng các trang thiết bị rất hiện đại. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có lực lượng QLTT” - Thứ trưởng nhìn nhận.

Đây là sự kiện bàn giao cuối cùng, nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT. Tổng cục QLTT sẽ chính thức hoạt động từ ngày 12/10. Đây sẽ là tổ chức xuyên suốt từ trung ương đến địa phương đúng theo Pháp lệnh về QLTT.

Thứ trưởng khẳng định, việc bàn giao về Bộ Công Thương có thể sẽ gây ra một số xáo trộn nhất định, gây tác động không hề nhỏ đến tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, đặc biệt là những người lao động hợp đồng cũng như công tác sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, dù trực thuộc Bộ Công Thương, song các đơn vị QLTT sẽ không tách rời sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp ủy đảng Trung ương, địa phương.

Đại diện các địa phương bàn giao hồ sơ cho Bộ Công Thương

Chia sẻ tại lễ bàn giao, bà Huỳnh Minh Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết, theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian ngắn, Bình Phước đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan đến hồ sơ, tài sản... “Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ, chúng tôi luôn chỉ đạo, quán triệt các đơn vị làm sao giữ vững ổn định tư tưởng của các cán bộ nhân viên QLTT, nhất là các nhân viên diện hợp đồng” – bà Hằng cho hay.

Sau khi hoàn tất công tác bàn giao, để công tác QLTT diễn ra bình thường, ổn định và phát triển, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ các khó khăn, tạo điều kiện về nhiều mặt của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với lực lượng QLTT. Bộ cũng đề nghị UBND các địa phương có đầu mối liên lạc thường xuyên, kịp thời kiến nghị tới Bộ các yêu cầu, biện pháp, kế hoạch công tác cần thiết của QLTT, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương để thống nhất chỉ đạo thực hiện.

Dũng - Phượng - Vĩnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/hoan-thanh-ban-giao-cac-chi-cuc-quan-ly-thi-truong-ve-bo-cong-thuong-109866.html