Hoàn thành thi công tuyến đê biển Quan Lạn

Được khởi công từ tháng 10/2016, đến nay Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê biển Quan Lạn (huyện Vân Đồn) đã được hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, nhân dân xã đảo Quan Lạn.

Đê Quan Lạn đã hoàn thành các hạng mục xây lắp. (Ảnh chụp tháng 12/2019)

Đê Quan Lạn đã hoàn thành các hạng mục xây lắp. (Ảnh chụp tháng 12/2019)

Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đê biển Quan Lạn xã vừa hoàn thành, ông Vũ Tiến Đế (thôn Tân Phong, xã Quan Lạn) hồ hởi kể: "Mừng lắm các anh ạ. Vậy là từ nay người dân Quan Lạn chúng tôi không phải thấp thỏm lo lắng mỗi khi bão gió đổ vào. Gia đình tôi ở đây bao đời nay, giáp biển về hướng Nam, mỗi khi vào mùa gió Nam và bão, sóng biển to, nước biển dâng lên đến tận cửa nhà, phải thường xuyên nằm trong tình trạng khẩn cấp buộc di dời khi bão đổ bộ, vất vả lắm".

Không chỉ có ông Đế, mà trên 4.000 người dân xã Quan Lạn đều có chung niềm vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đê biển Quan Lạn. Theo nhiều người dân xã đảo, trước đây để ngăn gió to, sóng lớn, không để nước biển tràn sâu vào, chính quyền và người dân xã đã đào đắp, hình thành những bờ đất dài nối nhau, lâu ngày gọi là đê. Nhưng tuyến đê này thường xuyên bị nước dâng cao, sóng đánh sạt lở, nước tràn vào ruộng, vườn của nhân dân, gây thiệt hại tài sản, hoa màu.

BQL các dự án công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT) rà soát, thẩm định các hạng mục Dự án lần cuối trước khi bàn giao cho xã Quan Lạn quản lý, khai thác, bảo vệ.

Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn có tổng vốn đầu tư gần 261 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu là 219 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách tỉnh. Theo quyết định phê duyệt, tuyến đê có tổng chiều dài trên 7,5km, thuộc công trình đê điều cấp 5, đảm bảo chống gió bão cấp 9, chiều cao nước dâng cao do bão tính với tần suất 20%. Tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép; mái đê phía biển gia cố bằng cấu kiện bê tông; phía bên dưới có đệm đá dăm dày 10cm và lót vải địa kỹ thuật; chân khay đê bằng dầm bê tông cốt thép đổ tại chỗ, phía ngoài gia cố bằng lăng thể đá hộc xếp chèn chặt, mặt rộng 1m, dày 0,6m.

Ông Vũ Đức Hạnh, cán bộ kỹ thuật, BQL các dự án NN&PTNT, cho biết: Tuyến đê biển Quan Lạn có dạng hình cung, bao bọc toàn bộ làng, xã. Tuyến có 10 cống tiêu thoát nước dưới đê giúp người dân lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và tiêu thoát nước khi mưa ngập úng. Bên cạnh đầu tư tuyến đê còn trồng mới ngoài đê 26,8ha rừng ngập mặn, gồm cây đước, cây trang.

Rừng ngập mặn được trồng bổ sung phía ngoài đê.

Sau 3 năm triển khai thi công trong điều kiện vô cùng khó khăn, với sự quyết tâm của chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu, đến nay Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê biển Quan Lạn đã hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình đã được các cấp, các ngành phê duyệt. Dự án hoàn thành đã tạo sự yên tâm cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão không phải lo lắng vì triều cường, sóng to, xâm thực mặn, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Sở NN&PTNT (chủ đầu tư) đang phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá, kiểm tra tổng thể lại chất lượng công trình trước khi bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, bảo vệ.

Ông Vương Đình Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện khối lượng, các hạng mục thi công đê Quan Lạn đã hoàn thành. Sở đang thẩm định, đánh giá lại chất lượng, kỹ thuật công trình sau đó sẽ bàn giao về cho địa phương quản lý. Để khai thác, sử dụng hiệu quả tuyến đê sau đầu tư, tới đây Sở sẽ có văn bản gửi UBND huyện Vân Đồn có phương án, kế hoạch thành lập tổ, đội quản lý đê Quan Lạn và bố trí kinh phí hằng năm để duy trì hoạt động của tổ, đội này. Mục đích thành lập lực lượng này để bảo vệ, phát hiện những trường hợp có hành vi vi phạm Luật Đê điều, phá hoại rừng ngập mặn quanh đê, cũng như quản lý việc đóng, mở các cánh cửa cống thoát nước trên đê.

Trong quá trình chờ bàn giao, xã Quan Lạn cần tăng cường công tác quản lý, không để người dân chạy xe quá trọng tải trên thân đê, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ đê điều; sử dụng hiệu quả tuyến đê để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của nhân dân xã đảo, giảm sự phụ thuộc vào đất liền.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202001/hoan-thanh-thi-cong-tuyen-de-bien-quan-lan-2466627/