Hoàn thiện chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của tội phạm mua bán người

Năm 2004, Việt Nam lần đầu tiên ban hành Chương trình hành động quốc gia về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004-2010 (NPA). Đây được coi là hướng dẫn lập pháp đầu tiên về phòng chống mua bán người ở Việt Nam, xây dựng nền tảng cho một số văn bản pháp lý liên quan và những kế hoạch hành động khác được ban hành sau đó.

Quá trình triển khai thực hiện với việc tổng kết, bổ sung hoàn thiện, nhiều bước tiến lớn đã được thực hiện trong giai đoạn thứ ba của NPA từ 2016-2020 để mở rộng phạm vi bảo vệ cho cả phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai bị buôn bán để khai thác tình dục và cưỡng bức lao động

“Buôn bán người – ngành công nghiệp tội phạm có lợi nhuận cao nhất trên thế giới”

Đó là khẳng định của ông Brett Dickson, Trưởng bộ phận chương trình tại Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tại Hội thảo “công tác thực hiện chương trình hành động quốc gia phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây.

Theo ông Brett Dickson, lợi nhuận toàn cầu cho mua bán người lên tới khoảng 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm và những lợi nhuận này cao nhất ở Châu Á. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 25 triệu người bị mắc kẹt trong cảnh bị cưỡng bức lao động. Nhiều người trong số họ đã bị buôn bán để khai thác.

Tại Việt Nam, ông Brett Dickson cho biết mỗi năm có khoảng 1.000 người bao gồm cả nam và nữ, trẻ em trai và trẻ em gái bị mua bán từ Việt Nam sang các nước khác.

Ông Brett Dickson: "Các tập đoàn tội phạm mua bán người thường nhắm đến đối tượng là những người di cư dễ bị tổn thương nhất để thay thế giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp của họ chế độ nô lệ, bóc lột và lạm dụng". Ảnh: Anh Tuấn

Ông Brett Dickson: "Các tập đoàn tội phạm mua bán người thường nhắm đến đối tượng là những người di cư dễ bị tổn thương nhất để thay thế giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp của họ chế độ nô lệ, bóc lột và lạm dụng". Ảnh: Anh Tuấn

“Di cư là sự thể hiện mạnh mẽ ý chí của mỗi cá nhân để vượt qua nghịch cảnh, tìm kiếm cơ hội hkinh tế tốt hơn để đem lại cho gia đình của họ một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên các tập đoàn tội phạm mua bán người thường nhắm đến đối tượng là những người di cư dễ bị tổn thương nhất để thay thế giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp của họ chế độ nô lệ, bóc lột và lạm dụng. Tội phạm mua bán người ngày càng trở nên phức tạp khi những kẻ mua bán người sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để lừa nạn nhân và chống lại thực thi pháp luật”, ông Brett Dickson nói.

Thông tin thêm về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, Trung tá Ngô Xuân Ý - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, khu vực các nước Tiểu vùng song Mê Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la.

Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến tháng 6-2019, trên toàn quốc đã phát hiện xảy ra gần 1.100 vụ mua bán người với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. “So với giai đoạn trước, giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyết để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp”.

“Nhiều báo cáo của các cơ quan chức năng cũng như báo chí đã phản ánh những xu hướng và thủ đoạn mới ngày càng tinh vi và phức tạp của tội phạm mua bán người. Xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, lừa bán sinh viên học sinh hay các đường dây mua bán người sang châu Âu. Mua bán người không chỉ xảy ra ở biên giới mà còn xảy ra khắp cả nước. Tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội để lừa bán phụ nữ, trẻ em tại các vùng quê qua xuất khẩu lao động, di cư tự do, du lịch… Thực trạng đó đã đặt ra yêu cầu công tác phòng chống mua bán người cũng phải có sự đổi mới, linh hoạt với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên”, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng

Để đấu tranh với tội phạm mua bán người, năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên ban hành chương trình hành động quốc gia về phòng chống mua bán người. Chương trình hành động đưa ra 5 Đề án với các tiêu chí cụ thể tập trung vào các hoạt động như: Truyền thông phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người; tiếp nhận xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Trong đó, để hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán, sau 3 năm thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập, Việt Nam là một trong những quốc gia của khu vực Đông Nam Á, châu Á cũng như các nước trên thế giới đã có hệ thống chính sách pháp luật, chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người tương đối tốt.

“Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phát triển cùng khuyến nghị “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm người yếu thế như người nghèo, người già người khuyết tật, người cần trợ giúp khẩn cấp trong đó có người bị mua bán trở về. Việt Nam đã có sự vào cuộc của các cấp từ Trung ương đến địa phương, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, kể cả tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp cho những nạn nhân mua bán trở về”.

Thể hiện qua những cải thiện rõ rệt trong việc thực hiện các công ước của quốc tế về quyền con người thông qua các chính sách cụ thể của Việt Nam thời gian qua. Cũng như những cải thiện trong việc hỗ trợ tư vấn tạo điều kiện để nạn nhân trở về gia đình, trở về cộng đồng có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội: "Việt Nam đã có sự vào cuộc của các cấp từ Trung ương đến địa phương, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, kể cả tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp cho những nạn nhân mua bán trở về". Ảnh: Anh Tuấn

“100% nạn nhân sau khi được giải cứu đã được các lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định và chế độ chính sách. Thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã và đang triển khai tại cộng đồng cho thấy nhiều hình thức hỗ trợ rất phù hợp. Việc xây dựng các mô hình hỗ trợ, nhất là mô hình nhóm tự lực đã đem lại hiệu quả cho nạn nhân và cần được tăng cường trong thời gian tới”, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh cần cải thiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thông qua đẩy mạnh chất lượng dịch vụ hỗ trợ và xây dựng mạng lưới tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tại cấp cơ sở. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng còn nhiều vướng mắc khó khăn. Trên cơ sở những cập nhật đa chiều về tình hình mua bán người cũng như những khuyến nghị của đại diện các bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ đánh giá tình hình hoạt động, đặc biệt là những vướng mắc trong xây dựng cũng như triển khai các chính sách cần được tháo gỡ và hoạch định công tác triển khai đề án trong năm 2019-2020. Theo ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn III sẽ khép lại vào năm 2020. Do đó giai đoạn 2019-2020 sẽ là khoảng thời gian quan trọng để Chính phủ Việt Nam tăng tốc nhằm đạt được các cam kết đưa ra trong Chương trình.

Tại Hội thảo, ý kiến của đại diện các bộ, ban ngành liên quan đã khuyến nghị tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trên cả bình diện phòng ngừa và bảo vệ.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh cần cải thiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thông qua đẩy mạnh chất lượng dịch vụ hỗ trợ và xây dựng mạng lưới tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tại cấp cơ sở. Đi cùng với đó là đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý tạo nền tảng cho việc hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở quyền, giúp nạn nhân tiếp cận dịch vụ hỗ trợ thuận lợi hơn.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoan-thien-chinh-sach-de-ho-tro-tot-hon-cho-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-161304.html