HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Chiều 16/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Đường bộ'. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự hội thảo có, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia nhà khoa học đến từ: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam; Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; Hiệp hội vận tải Tp. Hà Nội; Học viện Cảnh sát nhân dân,…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Luật Giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tách thành hai luật gồm Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về 02 dự án luật này. Đến nay, dự án Luật Đường bộ đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV; ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật.

Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, cụ thể đối với các vấn đề trọng tâm, cơ bản của dự thảo Luật.

Sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

Báo cáo tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo tại Hội thảo.

Về bố cục, Dự thảo Luật gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 02 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

Phân tích những điểm mới tại Dự thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga nêu rõ: Luật Đường bộ đã thay đổi phạm vi điều chỉnh, theo đó Luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; Bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác (Điều 4); bổ sung các chính sách phát triển giao thông đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Vận tải đường bộ; Quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ;...

Các đại biểu dự Hội thảo.

Khắc phục vướng mắc trong triển khai pháp luật về giao thông đường bộ

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đường bộ như: Phạm vi điều chỉnh; quy định về đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định về đầu tư, xây dựng, bảo trì, vận hành, khai thác công trình đường bộ;… Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý đối với quy định về phương tiện giao thông đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;…

Tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ, các đại biểu cho biết, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quá trình thực hiện đã đem lại nhiều kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, do đó việc xây dựng Luật Đường bộ là cần thiết.

Nhấn mạnh quy định tại dự thảo Luật phải đảm bảo tính toàn diện, khả thi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ, các đại biểu cũng lưu ý, cần kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về giao thông vận tải đường bộ còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này, các chuyên gia cũng đánh giá cao nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định về hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Điều 10). Đường thôn xóm là đường trong khu vực thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn, đường trục nối thôn xóm với khu vực sản xuất;

PGS.TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Đồng tình với việc đưa các nội dung luật hóa hoạt động đầu tư, xây dựng và khai thác đường cao tốc vào Luật này, PGS.TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam kiến nghị, vì tầm quan trọng và vai trò xương sống của đường bộ cao tốc trong hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, nội dung này cần phải thiết kế thành một chương hoặc thành một luật riêng như nhiều nước phát triển khác trên thế giới.

Theo PGS.TS Trần Chủng với nội dung chỉ có 3 điều như Dự thảo đã không bao hàm được các phạm vi cần điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Những nội dung như: Quy hoạch đường cao tốc; Xây dựng đường cao tốc; Bảo trì đường cao tốc; Quản lý đường cao tốc; Thu phí đường cao tốc; Giám sát và kiểm tra; Trách nhiệm pháp lý chưa có các quy định gắn với đường cao tốc sẽ gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng Luật.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Góp ý tại hội thảo, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, Khoản 1 Điều 21. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mới chỉ nêu được khái niệm, chưa nêu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, của các tổ chức, các cấp chính quyền nơi đường bộ đi qua trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trước những tác động từ bên ngoài.

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng góp ý tại Hội thảo.

Ngoài ra, Dự án Luật mới nêu nguyên tắc “Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”. Dự thảo Luật chưa quy định những điều cấm. Thực trạng kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các công trình phụ trợ cho hoạt động của đường bộ thướng xuyên bị xâm hại. Việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải từ nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, của các cơ quan tổ chức trong việc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ngăn chặn các hành vi phá hoại, xâm hại. Vì thế, đề nghị cần có một khoản quy định nội dung này.

Quan tâm tới nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Tp. Hà Nội Bùi Sinh Quyền kiến nghị, cần phải cụ thể hơn quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, đề nghị chuyển khoản 2,3,4 điều 14 và toàn bộ điều 19 và điều 21 để làm nổi bật việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông là trách nhiệm của cả xã hội.

Cũng tại hội thảo, các ý kiến đại biểu còn lưu ý, dự thảo Luật Đường bộ có tới trên 10/79 điều giao Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn là không cần thiết, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa các nội dung này vào thành điều luật; Đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng về: hình thành các cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông; dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; dữ liệu từ camera gắn trên xe; dữ liệu từ các trạm kiểm tra tải trọng xe… để phục vụ quản lý nhà nước và nhu cầu quản lý của doanh nghiệp;…

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu bế mạc Hội thảo.

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, hội nghị đã góp ý toàn diện, xác đáng liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh cũng như các nội dung còn chồng chéo với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, trở thành nguồn thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Một số hình ảnh tại Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Đường bộ":

Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đường bộ”.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp Đỗ Ngọc Tú phát biểu mở đầu Hội thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đường bộ như: Phạm vi điều chỉnh; quy định về đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định về đầu tư, xây dựng, bảo trì, vận hành, khai thác công trình đường bộ.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Sinh Quyền phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam góp ý về nội dung Hoạt động vận tải đường bộ trong dự thảo Luật.

Các đại biểu cũng lưu ý, cần kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về giao thông vận tải đường bộ còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu bế mạc Hội thảo.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75879