Hoàn thiện cơ sở pháp lý để chủ động ứng phó sự cố thiên tai

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng chống thiên tai, đòi hỏi việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm sự an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.

Làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh

Từ ngày 1.7.2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều chính thức có hiệu lực thi hành. Luật khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trường học ngổn ngang bùn đất sau trận mưa lũ hồi tháng 10.2022 tại Đà Nẵng. Nguồn: ITN

Trường học ngổn ngang bùn đất sau trận mưa lũ hồi tháng 10.2022 tại Đà Nẵng. Nguồn: ITN

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013. Ông Hùng cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước.

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV ngày 9.11 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự tại hội trường. ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) thông tin, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có giải thích khái niệm “sự cố”, “thảm họa” nhưng không rõ ranh giới của sự cố thiên tai, dịch bệnh được điều chỉnh trong Luật này với các luật chuyên ngành khác như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật An ninh mạng… Vì vậy, đại biểu Thắng đề nghị cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng thủ dân sự với các luật chuyên ngành, đặc biệt là Luật Phòng, chống thiên tai.

Thống nhất một tổ chức chung chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự quốc gia

Thực tế hiện nay trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, sự cố còn gặp nhiều bất cập do có nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các lực lượng công an, cảnh sát TP. Đà Nẵng đưa người dân mắc kẹt trong lũ đi cấp cứu hồi tháng 10.2022. Nguồn: ITN

Về quy định hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp Trung ương và địa phương trong phòng thủ dân sự, ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp Trung ương và địa phương là rất cần thiết và phù hợp khi Luật Phòng thủ dân sự được ban hành và có hiệu lực.

Các tổ chức chỉ đạo nêu trên sẽ có nhiều sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ thành viên nếu có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, bởi các tổ chức trên đều vào cuộc và tiến hành việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Như vậy sẽ gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, dễ ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức khắc phục thảm họa, sự cố.

ĐBQH Phạm Thị Xuân cũng cho rằng, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực, tổ chức thực hiện. Vì vậy, ở cấp quốc gia nên hợp nhất ba tổ chức phối hợp liên ngành thành một tổ chức để chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự của quốc gia là phù hợp.

Tương tự, cấp bộ, ngành và địa phương cũng cần hợp nhất Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy phòng thủ dân sự của bộ, ngành Trung ương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương, bộ, ngành, địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh việc thực tiễn trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, có rất nhiều Ban Chỉ đạo, chỉ huy, dẫn đến đôi lúc thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ. Do đó, cần phải có sự thống nhất chung trong tổ chức, thực hiện để mang lại hiệu quả.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/hoan-thien-co-so-phap-ly-de-chu-dong-ung-pho-su-co-thien-tai-i308523/