Hoàn thiện hành lang pháp lý về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

Cho rằng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là hướng ra để giải quyết những bài toán khó về giao thông đô thị cho các thành phố lớn, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình này trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… để bảo đảm tính đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) góp ý kiến về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) góp ý kiến về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). (Ảnh: DUY LINH)

Giải pháp căn cơ, dài hạn cho các vấn đề liên quan phát triển đô thị

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáng 31/5, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu rõ, doanh nghiệp trong nước đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi Quốc hội phải quan tâm hơn, Chính phủ phải có hành động nhanh, chất lượng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Góp ý về mô hình triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đại biểu Thường cho rằng, mô hình này đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như một một giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển hạ tầng… Ở nước ta cũng đã có định hướng chỉ đạo để phát triển vấn đề này.

Bên cạnh những lợi ích mà TOD mang lại như giảm ùn tắc giao thông, tăng số lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, đại biểu cũng chỉ rõ một số hạn chế như triển khai dự án theo mô hình TOD luôn có rủi ro, thách thức.

Các đại biểu dự phiên thảo luận ở hội trường sáng 31/5. (Ảnh: DUY LINH)

Nhấn mạnh những bật cập trong thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian qua, đại biểu Thường đề nghị việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, phát triển đô thị bền vững, kết hợp vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng, đưa giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển.

“Việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt hiện nay là rất cần thiết và TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết những bài toán khó về giao thông đô thị cho các thành phố lớn”, đại biểu nêu rõ, đồng thời cho rằng khi áp dụng mô hình này, cần nhận diện một số vấn đề nhận thức như về chiến lược, hành lang pháp lý, quy hoạch và về cơ chế chính sách.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình TOD trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… để bảo đảm tính đồng bộ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, định hướng phát triển TOD phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, cho phép thí điểm loại hình này tại một số thành phố, trước mắt là một số tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vừa làm vừa tổng kết để rút kinh nghiệm, hoàn thiện chiến lược phát triển hiệu quả và lâu dài.

Rà soát vướng mắc về thể chế để gỡ khó cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân là lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao, thủ tục vay lãi suất thấp còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất.

Theo đại biểu, doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp.

Trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh cần quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh: DUY LINH)

“Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Lúc đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”, đại biểu Thắng khẳng định.

Cũng góp ý vào nội dung hoàn thiện thể chế, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội còn nhiều vướng mắc như tiến độ giải ngân còn chậm, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng sợ sai, không dám làm, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây lãng phí thời gian và các nguồn lực.

Một số dự án tại Quảng Bình cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn đang gặp phải những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ do các cơ quan chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, dẫn tới chậm tiến độ triển khai thực hiện.

Đại biểu cho rằng, cần thành lập các tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương, ban hành quy tắc, quy chuẩn xử lý các vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi, để địa phương nào gặp khó khăn có thể tra cứu để thuận lợi trong quá trình triển khai.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-mo-hinh-phat-trien-do-thi-theo-dinh-huong-giao-thong-cong-cong-post755392.html