Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý biển và hải đảo

Với quyết tâm đưa nước ta trở thành nước mạnh về biển, năm 2007, Đảng và Nhà nước đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về 'Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020'. Một trong những thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện chiến lược này là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo hướng tới quản lý tổng hợp biển và hải đảo với phương thức tiếp cận hệ sinh thái. Nhờ đó, diện mạo kinh tế - xã hội khu vực biên giới biển, đảo có sự thay đổi rõ rệt, việc thực thi pháp luật trên biển được tăng cường.

BĐBP Hải Phòng phối hợp với lực lượng Vùng Cảnh sát Biển 1 tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: Sơn Hà

Sau khi Nghị quyết 09-NQ/TW được ban hành, Chiến lược biển Việt Nam đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định như: Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12-6-2009 “Về một số giải pháp cấp bách trong quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường biển”; Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23-3-2010 về “Phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”; Quyết định số 1353/QQĐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 6-9-2013 “Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Chỉ thị số 06 của Chính phủ về việc “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, an ninh chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về biển của Việt Nam, nhằm khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn trên các vùng biển xa, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo.

Tiếp đó, ngày 21-6-2012, Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Luật Biển Việt Nam bao quát các vấn đề quy chế pháp lý trên vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của nước ta.

Hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo tiếp tục được hoàn thiện với việc Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo (năm 2015). Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, là bước đột phá trong quản lý Nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo Việt Nam. Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là luật đầu tiên của Việt Nam “luật hóa” các quy định, phương thức về “quản lý tổng hợp”.

Việc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo mang lại hiệu quả vượt trội so với các phương thức quản lý trước đây. “Phương thức quản lý tổng hợp giúp chúng ta khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo” - Ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm thể chế hóa cơ chế phối hợp trong quản lý biển và đảo, đặc biệt là trong thực thi pháp luật trên biển. Giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã có sự phân công rõ ràng trong việc thực thi pháp luật trên biển đối với từng hoạt động, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.

Việc hoàn thành hệ thống chính sách, pháp luật đã tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi để các bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các địa phương biển đã đầu tư nhiều tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trên biển. Hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện, đã tạo cơ sở pháp lý để các lực lượng chức năng như Cảnh sát Biển, BĐBP, Kiểm ngư, Hải quân thực thi pháp luật trên biển, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trật tự trên biển, đảo.

Kết quả, các lực lượng chức năng đã phối hợp có hiệu quả trong quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường biển, đảo; bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoan-thien-he-thong-chinh-sach-phap-luat-ve-quan-ly-bien-va-hai-dao/