Hoàn thiện hệ thống giao thông vùng biển

Giao thông được ví như là mạch máu của nền kinh tế và phải đi trước một bước. Nhận thức được tầm quan trọng, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Trị đã được quy hoạch đầu tư dài hơi nhằm tăng tính kết nối giữa các vùng miền, đặc biệt khu vực biển-nơi đang được đánh thức các tiềm năng, lợi thế.

Cảng Cửa Việt - cửa ngõ giao thông đường biển được khai thác trong nhiều năm qua - Ảnh: L.M

Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai giúp kết nối vùng biển với các đô thị, các hành lang kinh tế động lực giúp vùng ven biển phát triển bền vững và hứa hẹn là vùng kinh tế động lực mới của Quảng Trị.

Trong đó, các dự án cảng biển có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Cùng với Cảng Cửa Việt hiện hữu, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) thực hiện đã khởi công xây dựng đầu năm 2024.

Khu bến cảng Mỹ Thủy là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ thông ra Biển Đông về phía tỉnh Quảng Trị trên Hành lang kinh tế Đông -Tây; kết nối thuận lợi với nhiều trục giao thông quan trọng quốc gia như Quốc lộ 1, cao tốc BắcNam, Quốc lộ 9, Quốc lộ 15D, đường sắt Bắc-Nam...; phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các trục hành lang kinh tế đi qua tỉnh Quảng Trị; phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Khi các dự án cảng biển đã hiện hữu, hạ tầng giao thông được đầu tư và quy hoạch nhằm tăng tính kết nối, lưu thông. Các tuyến đường kết nối vùng biển có thể kể đến gồm Quốc lộ 9 dài 118,2 km từ cảng Cửa Việt đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; Quốc lộ 49C dài 41,076 km từ cảng Cửa Việt đi dọc theo biến đến địa phận Thừa Thiên Huế; Quốc lộ 9D dài 45,937 km từ cảng Cửa Việt, đi dọc biển đến thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh; Quốc lộ 9F dài 25 km từ Nghĩa trang Trường Sơn đến giao Quốc lộ 9D tại Trung Giang, Gio Linh; hệ thống đường ven biển Quảng Trị từ ranh giới Quảng Bình đến ranh giới Thừa Thiên Huế; đường kết nối từ Quốc lộ 1 qua sân bay về đường ven biển (đang triển khai xây dựng đoạn từ Quốc lộ 1 đến sân bay Quảng Trị).

Hệ thống đường tỉnh gồm ĐT.571 quy hoạch đoạn tuyến kết nối từ Quốc lộ 9D về biển; ĐT.574 dài 7,53 km từ biển Cửa Tùng đến Quốc lộ 1; ĐT.575A dài 10km từ thị trấn Gio Linh về Quốc lộ 9 kết nối đến biển Cửa Việt; ĐT.583 dài 5 km kết nối biển với Quốc lộ 49C; ĐT.582 dài 15km kết nối biển với thị trấn Hải Lăng; ĐT.582B dài 13,76km kết nối biển với xã Hải Trường (hướng tuyến trùng với quy hoạch Quốc lộ 15D từ La lay về biển Mỹ Thủy).

Đặc biệt, dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối từ TP. Đông Hà đến đường ven biển đang triển khai xây dựng với tổng chiều dài 55 km đi qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP. Đông Hà. Đây là dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa kết nối, phát triển đô thị, có tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỉ đồng.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có các tuyến đường kết nối vùng biển gồm Quốc lộ 9 dài 118km từ Cửa Việt đến cửa khẩu Lao Bảo, quy mô 2-4 làn xe. Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu La Lay, dài 68km, quy mô 2-4 làn xe; hiện nay đã khai thác 2 đoạn dài khoảng 26km gồm, 14 km từ Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1 và 12km từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến La Lay.

Quốc lộ 9D dài 106km từ cảng Cửa Việt đến cửa khẩu Tà Rùng, quy mô 2 làn xe; hiện đang khai thác với quy mô 2 làn xe, đoạn qua xã Vĩnh Ô dài 15km đang xây dựng, đoạn từ Vĩnh Ô đến Hướng Lập khoảng 6km chưa xây dựng.

Quốc lộ 9F dài 25km từ Nghĩa trang Trường Sơn đến giao Quốc lộ 9D tại Trung Giang, Gio Linh; quy mô 2-4 làn xe. Quốc lộ 49C dài 42 km từ Cửa Việt đến Quốc lộ 49B-Phong Điền, Huế; quy mô 2-4 làn xe. Đường ven biển qua địa phận tỉnh Quảng Trị dài khoảng 67km.

Với hệ thống giao thông hiện hữu, đang triển khai và được quy hoạch đang tạo ra các trục ngang nhằm kết nối với các trục dọc quan trọng của quốc gia như Quốc lộ 1, cao tốc, đường sắt BắcNam, cảng hàng không Quảng Trị... tạo thành mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh nhằm kết nối vùng ven biển với các đô thị, các hành lang, vùng kinh tế động lực.

Qua đó, sẽ hỗ trợ khu vực ven biển phát triển sôi động trong tương lai như du lịch, công nghiệp ven biển đang có nhiều tiềm năng, lợi thế và được xác định là các ngành kinh tế mũi nhọn giúp Quảng Trị phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hoan-thien-he-thong-giao-thong-vung-bien-185216.htm