Hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa ngoại thành

Hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa, nhất là ở khu vực nông thôn là một trong những mục tiêu của Chương trình số 04 về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành ủy Hà Nội. Thời gian qua, hệ thống nhà văn hóa tại khu vực ngoại thành đã được đầu tư, xây dựng cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ở một số địa bàn, việc xây dựng công trình còn khó khăn do thiếu kinh phí hoặc thiếu mặt bằng. Thành phố vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để cuối năm nay, tất cả các thôn, làng có nhà văn hóa.

Nhà văn hóa thôn Vang (xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh) trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Nhà văn hóa thôn Vang (xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh) trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa, nhất là ở khu vực nông thôn là một trong những mục tiêu của Chương trình số 04 về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành ủy Hà Nội. Thời gian qua, hệ thống nhà văn hóa tại khu vực ngoại thành đã được đầu tư, xây dựng cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ở một số địa bàn, việc xây dựng công trình còn khó khăn do thiếu kinh phí hoặc thiếu mặt bằng. Thành phố vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để cuối năm nay, tất cả các thôn, làng có nhà văn hóa.

Những năm qua, triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống nhà văn hóa (NVH) ở các thôn, làng ở Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Tại các huyện: Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Ðan Phượng, Quốc Oai…, mỗi thôn có một NVH. Một số địa bàn còn kết hợp xây dựng NVH thôn thành thư viện, hoặc tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao… Tại khu vực nông thôn, do thiếu các khu vui chơi, giải trí, nhà hát, rạp chiếu phim…, cho nên vai trò của NVH đối với sinh hoạt cộng đồng là hết sức quan trọng. Do đó, Chương trình số 04 của Thành ủy về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% số thôn, làng được xây dựng NVH.

Mặc dù vậy, tại một số địa bàn, việc xây dựng NVH còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện nghèo như: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Ðức, Ứng Hòa… Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng cho biết: "Tính đến hết tháng 5-2020, thành phố có 2.211 thôn có NVH. Số thôn chưa có NVH là 187 thôn, trong đó, 19 thôn đã bố trí được kinh phí hoặc đang khởi công xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu kinh phí hoặc thiếu mặt bằng".

Huyện Ba Vì là địa bàn thiếu NVH nhiều nhất. Những năm qua, thành phố vận động các quận, huyện tặng kinh phí xây NVH cho các địa phương. Cho đến nay, huyện được tặng hơn 40 NVH, khó khăn phần nào được khắc phục song vẫn có 18 thôn chưa có NVH. Thôn Bặn (xã Vân Hòa) là một trong số đó. Mỗi khi có sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lãnh đạo thôn lại đau đầu tìm địa điểm tổ chức. Việc họp, tổ chức các công việc của thôn cũng vậy. Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì Nguyễn Việt Giao cho biết, tình trạng này cũng xảy ra ở các thôn khác. Mỗi khi có hoạt động văn hóa, văn nghệ hay hội họp, người dân phải tổ chức ở đình làng, trường học, thậm chí có nơi phải đi mượn trụ sở của hợp tác xã. Huyện Ứng Hòa hiện có 31 thôn chưa có NVH. Thậm chí, có sự kiện nhân dân phải lấy phông bạt dựng tạm ngoài đường làm nơi tổ chức. Các huyện còn thiếu nhiều NVH gồm: Phúc Thọ (28 thôn, làng) Thạch Thất (15 thôn, làng)... Ngoài nguyên nhân chính là thiếu kinh phí, hoặc thiếu quỹ đất, một số địa bàn lại khó khăn do mới triển khai điều chỉnh địa giới hành chính. Tình trạng này xảy ra ở các huyện Mỹ Ðức, Thanh Oai. Cá biệt, có địa phương kinh tế rất phát triển, nhưng việc xây dựng NVH lại "tắc" do vướng quy hoạch. Ðó là câu chuyện ở thôn Mông Phụ (xã Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây) và xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Một vấn đề khác đặt ra là hiện có 40 thôn, làng dù đã có NVH, nhưng do xây dựng đã lâu, nên bị xuống cấp, thậm chí có nơi công trình trở nên nguy hiểm cho người sử dụng.

Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành rà soát thực trạng các NVH thôn, làng trên địa bàn thành phố. Sau khi rà soát, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Báo cáo số 88/BC-SVHTT gửi UBND thành phố Hà Nội, đề nghị thành phố hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng cho biết: "Ðối với những địa phương không bố trí được kinh phí, chúng tôi kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ 100% vốn từ nguồn ngân sách thành phố, để các địa phương hoàn thành mục tiêu 100% thôn, làng có NVH hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng trong năm 2020". Theo đề xuất này, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng 158 NVH, sửa chữa, nâng cấp 40 NVH ở các địa bàn gặp khó khăn. Ngoài ra, với các thôn, làng khó khăn về quỹ đất do vướng quy hoạch, thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng…, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp thực hiện; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chủ động bố trí kinh phí hoàn thiện trong năm 2020.

Mục tiêu của Chương trình số 04 là tất cả thôn, làng có NVH trong năm 2020. Thời gian từ nay đến hết năm không còn dài. Nếu việc khởi công xây dựng tiến hành muộn sẽ không kịp tiến độ đề ra. Tuy nhiên, thực tế kinh phí theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao là không nhỏ, tổng kinh phí xây mới, sửa chữa lên tới 435 tỷ đồng. Bởi vậy, các địa phương cũng cần chủ động trong việc phân bổ, bố trí nguồn lực. Trước đây, một số địa bàn khó khăn về kinh phí đã giải quyết bằng đấu giá đất xen kẹt để xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hóa; đồng thời, huy động nguồn lực theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Cách làm này có thể áp dụng ở những địa bàn nêu trên, giảm áp lực kinh phí cho ngân sách thành phố.

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/hoan-thien-he-thong-nha-van-hoa-ngoai-thanh-609345/