Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường

Chiều 19/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Hàn Quốc chia sẻ về xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Các lồng nuôi tôm với mật độ dày cùng với ô nhiễm môi trường gây chết tôm tại Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Để bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới, hài hòa với tiêu chuẩn môi trường quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định nhiệm vụ rà soát để điều chỉnh, xây dựng các quy chuẩn môi trường.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng cho biết, để hoàn thiện hệ thống quy chuẩn môi trường, Bộ đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong đó Hàn Quốc có cách làm đáng học tập.
Bộ Môi trường Hàn Quốc đã hỗ trợ chuyên gia, giúp Việt Nam trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Hàn Quốc cử 2 chuyên gia đầu ngành về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, trao đổi, chia sẻ về cách tiếp cận và kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn môi trường cũng như tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện quy chuẩn môi trường Việt Nam, dự kiến sẽ công bố trong năm 2020.
Chia sẻ về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng nước và nước thải, Tiến sĩ Park Tae Jin, Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Hàn Quốc, tham khảo các tiêu chuẩn của Mỹ, Canada về đảm bảo chất lượng nước của các loài thủy sinh, quản lý chất lượng nước của Australia…

Hàn Quốc phát triển hệ thống các chất gây ô nhiễm gồm 441 chất, trong đó lựa chọn 161 hóa chất ưu tiên buộc phải quan trắc thường xuyên, đặc biệt tại 4 con sông chính trên cả nước.

Trong quá trình quan trắc, Hàn Quốc đã lựa chọn ra 8 hóa chất chính để thực hiện công nghệ xử lý, đảm bảo quản lý chất lượng nguồn nước. Kế hoạch được xây dựng theo chu trình 5 năm.

Hệ thống quan trắc của Hàn Quốc chú trọng yếu tố ảnh hưởng sức khỏe môi trường, cảnh báo chất lượng nước, truyền kết quả về Bộ Môi trường Hàn Quốc để có chính sách hợp lý.
Hàn Quốc đã áp dụng quy chuẩn tổng lượng nước thải trong khu vực. Kế hoạch tổng thể quản lý lượng nước thải phải được xây dựng từ địa phương và nộp về Bộ Môi trường với mục tiêu giảm được các yếu tố gây ô nhiễm môi trường nước, đảm bảo kế hoạch phát triển vùng.

Xu thế hiện nay khi đưa ra các mức tiêu chí từ khu vực thành phố, nhà máy… đối chiếu với các tiêu chuẩn để đưa ra phương hướng xử lý phù hợp.

Nước biển được xây dựng một tiêu chuẩn riêng so với 3 loại nước còn lại là nước sông, nước hồ và nước ngầm.

Công nghệ tốt nhất có thể ứng dụng để bảo vệ môi trường nhưng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế.

Có thể tích hợp nhiều yếu tố nhưng phải lựa chọn đúng thực tế để áp dụng chung cho từng khu vực, đảm bảo hiệu quả tốt nhất với chi phí tối ưu.
Tiến sĩ Park Jung Min, Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc chia ra không khí trong nhà và không khí bên ngoài.

Với 1.200 khu công nghiệp và khoảng hơn 58.000 doanh nghiệp, Hàn Quốc có những quy định riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng không khí cho từng khu vực.

Từ năm 2014, Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến bụi mịn. Hàn Quốc mới kiểm soát được 64 loại chất gây ô nhiễm không khí, trong đó 37 chất ảnh hưởng trực tiếp và độc hại đối với sức khỏe con người sẽ được quản lý ngặt nghèo hơn.

Hàn Quốc chia thành 28 ngành, lĩnh vực có chất thải ra môi trường và dựa theo 7 tiêu chí phát thải như điện, đốt rác, xi măng… để chia những quy định riêng cho từng ngành.

Các khu vực sẽ được đánh giá theo khối lượng phát thải khí độc hại ra môi trường. Hiện nay, Chính phủ đang kiểm soát, quản lý 1.351 ống khói của 573 doanh nghiệp.

Từ năm 2020, Hàn Quốc đưa vào kiểm soát khí thải phát sinh từ nguồn thải diện (khí phân tán) tại các doanh nghiệp bằng cách lắp đặt các thiết bị chuyên dụng để phát hiện.
Các chuyên gia Việt Nam quan tâm đến tiêu chuẩn quốc gia, địa phương, những quy định đối với từng lĩnh vực, ngành cụ thể, việc kiểm soát, quản lý các chất gây ô nhiễm nước, không khí, các hình thức đo lường khí thải, khí độc của các doanh nghiệp…/.

Minh Nguyệt/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hoan-thien-he-thong-quy-chuan-ky-thuat-ve-moi-truong/134234.html