Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn hành vi buôn bán tạng người

Kết quả đăng ký hiến, ghép tạng trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành y tế Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần được hoàn thiện để ngăn chặn những hành vi buôn bán tạng người đang diễn biến phức tạp.

Mới đây, tại “Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người” do Bộ Y tế tổ chức, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, sau hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của người dân. Hiện nay, thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn.

Tính đến ngày 31-12-2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, tụy, ruột. Điều đó cho thấy nhu cầu ghép tạng đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý, sửa đổi các quy định về nội dung này trong Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) thời gian tới để góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người.

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: KIM OANH

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: KIM OANH

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) chia sẻ, tình trạng buôn bán tạng đang diễn biến ngày phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi. Sau khi đi đến thống nhất, các đối tượng môi giới trung gian sẽ hợp pháp hóa toàn bộ giấy tờ. Các đối tượng có thể in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ, sau đó đưa vào các bệnh viện, các trung tâm nơi có tổ chức ghép và thu lợi nhuận rất lớn. Nếu như thời gian trước các đối tượng hưởng lợi khoảng 150 triệu đồng/ca ghép thận thì bây giờ có thể lên tới 600-700 triệu đồng. Những người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể người thường ở trong hoàn cảnh đặc biệt, nhiều trường hợp đấu tranh giành giật sự sống nên cố gắng tìm đủ mọi cách làm theo hướng dẫn của đối tượng phạm tội, chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn miễn đạt được mục đích của mình, thậm chí che giấu cho hành vi phạm tội.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, luật pháp nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người. Bởi mô, bộ phận cơ thể người là một trong những quyền bất khả xâm phạm được quy định trong Hiến pháp và tính phi thương mại của hoạt động lấy, ghép mô. Trong Bộ luật Hình sự cũng có những quy định chặt chẽ về hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người hoặc chiếm đoạt, kể cả môi giới mô, bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Trang, vẫn còn những bất cập trong quy định và thực trạng thực hiện. Đó là trong luật chưa quy định tách bạch về hiến cùng huyết thống với hiến vô danh cho nên việc nghiêm cấm người hiến và người ghép gặp nhau để phân biệt với trường hợp môi giới, mua bán có tính chất thương mại có những khó khăn nhất định.

Mặt khác, cần ban hành thêm các tiêu chuẩn, quy trình lấy, ghép mô; quy trình về các đơn vị độc lập kiểm soát những tiêu chuẩn để chỉ định ghép khi cập nhật lên hệ thống thông tin quốc gia. Trong đó, vai trò điều phối của Trung tâm Điều phối quốc gia là hết sức quan trọng, tuy nhiên chưa có quy trình điều phối ghép tạng. Cũng theo ý kiến của bà Trần Thị Trang, về mặt độ tuổi, chưa có quy định người hiến chết não dưới 18 tuổi cho nên cũng có hạn chế đối với những trường hợp chết não dưới 18 tuổi. Bởi với hơn 90% nguồn tạng từ người cho sống sẽ có ảnh hưởng về mặt sức khỏe đối với người hiến. Cho nên, nhiều trường hợp cho chết não sẽ bảo đảm được tính nhân văn và sức khỏe của người hiến nhiều hơn. Đặc biệt, nếu tình trạng mua bán, hiến chui hoặc đi ra nước ngoài để hiến mà không được sự bảo trợ của pháp luật, không bảo đảm về vấn đề sức khỏe, chăm sóc y tế sau ghép thì nguy cơ đối với sức khỏe của người hiến là rất cao, đặc biệt đối với những người trẻ.

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/hoan-thien-phap-luat-de-ngan-chan-hanh-vi-buon-ban-tang-nguoi-718527