HOÀN THIỆN QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN NƯỚC THEO LƯU VỰC SÔNG

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023. Quan tâm tới dự luật, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông vì sự phát triển bền vững,...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/3: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: ĐẢM BẢO QUYỀN KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA CÁC NHÂN, TỔ CHỨC

Dự kiến Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 (5/2023)

Dự kiến Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 (5/2023)

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có sự chồng chéo với các luật khác như luật Thủy lợi, 2017, luật Phòng chống thiên tai, luật bảo vệ môi trường 2020, Luật Quy hoạch năm 2017; Chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước;…

Do đó, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2023 nhằm kịp thời nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật…

Hiện nay, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, sự phát triển bền vững của đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là phải bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Trước thực trạng sử dụng tài nguyên nước trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn cho công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam.

PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh, tài nguyên nước là thiết yếu cho sự sống và sức khỏe của tất cả mọi người, cho phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước, khác với các dạng tài nguyên khác, tài nguyên nước trên một lưu vực sông không thể bị chia cắt theo ranh giới hành chính. Từ thực trạng quản lý tài nguyên nước thế giới và ở Việt Nam cho thấy quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông một cách có hiệu quả là cách tiếp cận phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại của Việt Nam. Cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước giúp quản lý và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững, cân bằng và xem xét toàn diện các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Cách tiếp cận này cũng nhìn nhận các nhóm lợi ích, các ngành kinh tế sử dụng và khai thác nguồn nước, các nhu cầu của môi trường và các xung đột khác nhau. Cách tiếp cận này giúp điều phối công tác quản lý tài nguyên nước giữa các ngành và các nhóm lợi ích ở các quy mô khác nhau, từ quy mô địa phương đến quốc tế. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhấn mạnh đến sự liên quan của các quá trình làm luật và ra xây dựng các chính sách quốc gia, thiết lập cách quản trị tốt, và hỗ trợ sắp xếp thể chế và điều hành hiệu quả trong một quy trình nhằm tạo ra các quyết định công bằng và bền vững hơn thông qua sử dụng một loạt các công cụ, như đánh giá xã hội và môi trường, các công cụ kinh tế và các hệ thống giám sát và cung cấp thông tin.

PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng lưu ý, tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông đã được xác lập và áp dụng trong thực tiễn của nhiều nước trên thế giới. Quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông ở Việt Nam cũng đã được thể chế hóa với việc ban hành nghị định Quản lý lưu vực sông (Nghị đinh 120/NĐ-CP, 2008) nay đã hết hiệu lực thi hành. Do đó, cách tiếp cận này cần được thực thi và tiếp tục hoàn thiện.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quan điểm quản lý tổng hợp, toàn diện tài nguyên nước đã được luật hóa và được quy định trong Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 và Dự thảo Luật tài nguyên nước sửa đổi. Theo đó, một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước đã được quy định tại là: “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính (Khoản 1, Điều 3).” và “Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác” (khoản 2, Điêù3).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đảm bảo nguyên tắc này còn tồn tại rất nhiều bất cập hạn chế về tổ chức và chính sách liên quan. Đặc biệt, hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở cả cấp trung ương và địa phương.

Lưu ý hệ quả thực tế về cạn kiệt, suy thoái, ô nhiễm và xung đột tài nguyên nước ngày càng gia tăng trên các lưu vực sông, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ khẳng định, với hệ thống phương pháp luận rõ ràng được Liên hợp quốc phát triển và áp dụng ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc bổ sung quy định về hạch toán tài nguyên nước vào Luật Tài nguyên nước là hoàn toàn phù hợp để giúp đo lường, tính toán và đưa ra các chỉ số phản ánh toàn diện các khía cạnh liên quan đến hiện trạng, xu hướng, áp lực do các hoạt động kinh tế, dân sinh.

“Việt Nam có thể xây dựng hệ thống tài khoản hạch toán tài nguyên nước theo các lưu vực sông, theo đó mỗi lưu vực sông lớn có thể thiết lập 01 bộ tài khoản để hỗ trợ việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, xem xét đa giá trị của tài nguyên nước cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường và đồng thời thiết lập lộ trình tiến tới hạch toán tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc....”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ đề xuất.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước còn chồng chéo

Tiếp cận dưới góc độ khác, GS.TS. Vũ Minh Cát, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, Điểm c khoản 2 Điều 56 của Luật Thủy lợi năm 2017 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi, có trách nhiệm “Chỉ đạo điều hòa, phân phối nước và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác …”.

Tuy nhiên, Điểm c khoản 2 Điều 79, luật Tài nguyên nước sửa đổi quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, nguồn nước trong phạm vi cả nước “Xác định, công bố dòng chảy tối thiểu, chức năng đối với nguồn nước liên tỉnh, ngưỡng khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo thẩm quyền; thông báo tình hình hạn hán, thiếu nước; công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng, rà soát, điều chỉnh phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; tổ chức thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông liên tỉnh; ...”

Như vậy, theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân phối tài nguyên nước. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Tài nguyên nước sửa đổi thì Bộ Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Tức là, một nhiệm vụ phân phối tài nguyên nước mà có 02 Bộ cùng thực hiện là chưa đảm bảo tính thống nhất, có thể gây mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện và gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của các cá nhân, tổ chức.

Mặt khác, việc quản lý theo lưu vực sông hay quản lý theo hệ thống công trình thủy lợi là phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới hiện nay vì: Nguồn nước hình thành trọn vẹn trên một lưu vực sông nên việc đánh giá về số lượng và chất lượng sẽ chính xác và đầy đủ nhất theo phạm vi khép kín đó; Phạm vi không gian của lưu vực sông không trùng khớp với địa giới hành chính của các tỉnh;...

Chính vì vậy, GS.TS Vũ Minh Cát kiến nghị, vấn đề thành lập các ban quan lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự luật Tài nguyên nước (sửa đổi)./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74305