Hoàn thiện quy định pháp luật về phân chia di sản thừa kế

Danh Pì Sách (Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), ThS. Nguyễn Trường Thọ (NCS Trường Đại học Kinh tế - Luật, Giảng viên Trường Đại học Kiên Giang), ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà (NCS Trường Đại học Kinh tế - Luật, Giảng viên Trường Đại học Kiên Giang)

Tóm tắt:

Bài viết phân tích những quy định của pháp luật xung quanh vấn đề phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật và giá trị. Bên cạnh đó, nêu lên những khó khăn vướng mắc, đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật này hơn.

Từ khóa: Di sản thừa kế, phân chia, hiện vật, giá trị, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Người được hưởng di sản là người thừa kế và mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc hưởng thừa kế. Việc phân chia di sản thừa kế đã được pháp luật quy định khá cụ thể, theo hai hình thức là: theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân chia này còn nhiều hạn chế, vướng mắc, tùy theo những tình huống cụ thể (bằng hiện vật hoặc bằng giá trị).

2. Phân chia di sản thừa kế 2.1. Phân chia di sản bằng hiện vật

Khi chia theo hiện vật, mỗi người thừa kế có thể nhận hiện vật có giá trị chênh lệch nhau mà không phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch nếu không có thỏa thuận. Nếu những người thừa kế không có thỏa thuận nào khác trong việc phân chia di sản bằng hiện vật thì di sản được chia đều cho họ. Trong trường hợp di sản bao gồm nhiều hiện vật, mỗi hiện vật có giá trị khác nhau, thì trước khi chia di sản phải xác định giá trị của từng hiện vật, trên cơ sở cùng định giá của những người thừa kế.

Di sản thừa kế có những vật chia được và có những vật không chia được. Tuy nhiên, có những vật theo tính chất là vật chia được, nhưng vật khi phân chia trong hoàn cảnh cụ thể thì được xác định là vật không chia được. Những vật như vậy thường gặp trong những hoàn cảnh như diện tích một ngôi nhà là vật chia được nhưng ngôi nhà đó có diện tích nhỏ nếu chia diện tích nhà cho những người thừa kế thì ngôi nhà không thể sử dụng được.

Có hai cách để chia di sản là chia bằng hiện vật và giá trị. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 theo hướng ưu tiên chia bằng hiện vật, bởi lẽ khoản 2, Điều 660, BLDS năm 2015 quy định: “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật,…”.

Trong trường hợp chia di sản bằng hiện vật thì người nào nhận phần nào cụ thể của di sản cũng là một vấn đề cần được giải quyết, vì di sản rất đa dạng, các phần bằng hiện vật có thể có giá trị bằng nhau nhưng bản chất (tính năng) của từng phần không luôn giống nhau (phần là quyền sử dụng đất, phần là nhà, phần là nhà đất,…). Trong trường hợp một số người đều muốn nhận bằng hiện vật, trong khi đó di sản không thể chia bằng hiện vật, thì cũng cần phải xác định ai nhận bằng hiện vật (người không nhận bằng hiện vật sẽ được nhận bằng giá trị).[1]

Khoản 2, Điều 660, BLDS năm 2015 chưa có quy định cụ thể tiêu chí ai là người nhận di sản thừa kế bằng hiện vật, dẫn đến trong thực tiễn có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Trần Thị Giàu và bị đơn Nguyễn Văn Hết[2].

Quan điểm của cấp sơ thẩm: Tòa án đã chấp nhận chia bằng hiện vật di sản thừa kế cho ông Nguyễn Văn Hết và bà Trần Thị Thu Hà, được quyền sử dụng 2,169m2 đất ao và 148m2 đất gò.

Quan điểm của cấp phúc thẩm: Cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu chia bằng hiện vật di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Thanh và cụ Trần Thị Năm cho ông Nguyễn Văn Hết và bà Trần Thị Thu Hà. Ông Hết và bà Hà có nghĩa vụ hoàn trả lại giá trị cho các đồng thừa kế.

Quan điểm của phiên giám đốc thẩm cho rằng, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc ông Nguyễn Văn Hết thanh toán giá trị phần tài sản được chia cho các đương sự khác và giao cho ông Hết được quyền quản lý, sử dụng toàn bộ phần đất tranh chấp 2,169m2 mà không chia bằng hiện vật cho các đương sự, trong khi các đương sự có yêu cầu chia bằng hiện vật, thì đây là không đúng quy định theo khoản 2, Điều 685, Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là khoản 2 Điều 660 BLDS năm 2015).

Tác giả đồng ý với quan điểm của phiên giám đốc thẩm, không đồng ý với quan điểm của cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, bởi lẽ, diện tích đất tranh chấp lớn có thể chia được bằng hiện vật. Ngoài ra, khi các đương sự có yêu cầu chia bằng hiện vật mà Tòa án không chia là không đúng theo quy định của luật. Do đó, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của các đương sự còn lại.

Trong thực tế, khi có một người thừa kế yêu cầu và di sản thừa kế có thể phân chia được thì tòa án phải ưu tiên chia bằng hiện vật. Trừ trường hợp việc phân chia bằng hiện vật thành nhiều phần ảnh hưởng đến giá trị tài sản thì không chia bằng hiện vật. Đối với di sản là nhà, đất, khi chia di sản chúng ta có hệ quả là tài sản chung của những người thừa kế chấm dứt và khối tài sản chung này được chia thành các phần để trở thành sở hữu riêng lẻ của từng người.

Ngoài ra, hiện nay vấn đề đặt ra là khi nhiều người thừa kế đều cùng có nhu cầu nhận bằng hiện vật mà không thể chia bằng hiện vật cho tất cả, thì tòa án phải xác định ai có nhu cầu cấp bách hơn để nhận hiện vật và chia cho họ được hưởng.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng nhà và đất giữa nguyên đơn: Trịnh Ái D với bị đơn Thị D và Trịnh Ái H.

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm: Trịnh Ái D yêu cầu được nhận hiện vật là nhà đất là không có căn cứ chấp nhận được bởi lẽ: phần nhà và đất có diện tích là ngang 4,5 mét, dài 13,5 mét, chiều dài còn lại là 12,5m là phần lấn chiếm sông đất tọa lạc tại ấp M, xã B, huyện C, tỉnh Kiên Giang là của bà Thị D và ông Trịnh Ích T tạo lập được mà có. Khi ông T chết thì theo nguyên tắc 1/2 phần nhà, đất nêu trên là của bà Thị D, còn lại 1/2 phần nhà và đất sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất. Vậy nên, bà Thị D, Trịnh Ái D và Trịnh Ái H - thuộc hàng thừa kế thứ nhất - được hưởng mỗi phần ngang nhau trong 1/2 số tài sản nhà và đất còn lại. Do đó, việc Trịnh Ái D yêu cầu được chia 1/2 nhà và đất là không có cơ sở chấp nhận.

Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm: Căn cứ Chứng thư định giá ngày 27/11/2015 của Công ty cổ phần Bất động sản Kiên Giang, trị giá nhà và đất là 179.359.320 đồng. Trong đó, giá trị phần di sản của ông Trịnh Ích T để lại là 89.679.660 đồng nên phần thừa kế của Trịnh Ái D là 29.893.220 đồng. Do phần thừa kế của Trịnh Ái D trong khối di sản của ông Trịnh Ích T để lại là rất nhỏ. Mặt khác, nhà, đất đang tranh chấp hiện nay bà Thị D và Trịnh Ái H đang quản lý, sử dụng. Ngoài nhà đất này, bà Thị D và Trịnh Ái H không còn nhà đất nào khác. Còn về phía Trịnh Ái D hiện nay đang sinh sống ổn định tại căn nhà ở tổ 7, ấp M, xã B, huyện C, tỉnh Kiên Giang từ năm 2011. Vì vậy, không có căn cứ để chia cho Trịnh Ái D một phần nhà, đất tranh chấp.

Tác giả đồng ý với quan điểm của cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Mặt dù cả hai cấp xét xử có những căn cứ khác nhau, tuy nhiên cả hai cấp đều chấp nhận chia di sản thừa kế bằng hiện vật cho bà Thị D là hoàn toàn có cơ sở. Trong vụ án trên, bà Thị D có nhu cầu cấp bách về chỗ ở nên chia nhà và đất cho bà Thị D là hợp tình, hợp lý.

Chúng ta cũng cần lưu ý về trường hợp khả năng tài chính của người được chia bằng hiện vật khi trả lại giá trị di sản cho người không được chấp nhận chia bằng hiện vật (chia bằng giá trị). Trong vụ án này bà D đã trả lại cho anh D số tiền được chia giá trị, nếu như bà D không có khả năng tài chính thì khả năng phát mãi tài sản để bán trả lại giá trị cho anh D rất cao. Ngoài ra, để không gây khó khăn cho thi hành án, cần phải xem xét về khả năng tài chính của các bên để tiến hành phân chia sao cho phù hợp.

Từ những vụ án trên tác giả cho rằng, hiện nay không có quy định, tiêu chí cụ thể rõ ràng nào để xác định chia bằng hiện vật hay giá trị cho các đồng thừa kế. Do vậy, trong thời gian tới, vấn đề này Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) nên hướng dẫn trong trường hợp nào thì được nhận di sản bằng hiện vật, để thống nhất trong thực tiễn xét xử.

2.2. Phân chia di sản bằng giá trị

Khoản 2, Điều 685, BLDS năm 2005 và khoản 2, Điều 660, BLDS 2015 quy định: “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật, nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật, nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia”. Ở đây, luật dự liệu trường hợp bán di sản nhưng không nói rõ về hậu quả sau khi bán và trường hợp phải bán di sản là chưa rõ ràng. Về mặt logic, sau khi bán di sản, tiền thu được sẽ chia cho những người thừa kế, tức chia di sản bằng giá trị.

Trong thực tế, không phải lúc nào cũng phải bán tài sản là di sản mà thường xảy ra trường hợp sẽ có người thừa kế nhận bằng hiện vật và có người thừa kế nhận bằng giá trị (trong vụ việc thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao toàn bộ nhà đất cho ông Hết, bà Hà và chỉ chia cho những người thừa kế khác bằng giá trị). Trường hợp vừa nêu trên thực chất cũng là một dạng chia di sản bằng giá trị, người nhận bằng hiện vật sẽ thanh toán giá trị kỷ phần cho người không nhận bằng hiện vật. Ở đây, di sản là tài sản chung của những người thừa kế trở thành tài sản thuộc sở hữu riêng của người nhận di sản bằng hiện vật[3].

Có thể thấy rằng, hiện nay BLDS 2015 không quy định cụ thể rõ từng trường hợp phải chia bằng giá trị, nhưng qua thực tiễn xét xử có thể thấy trường hợp chia bằng giá trị thường là những trường hợp người nhận di sản không đủ điều kiện để nhận bằng hiện vật, hay do tính chất của di sản không thể chia bằng hiện vật cho tất cả các đồng thừa kế.

Chẳng hạn như, các địa phương có quy định về hạn mức đất để tách thửa nên những quy định này có thể tác động tới việc chia bằng hiện vật hay bằng giá trị.

Ví dụ: Vụ án giữa ông Nguyễn Thành Hiếu và bà Đặng Thị Trọng về việc chia di sản thừa kế.[4]

Quan điểm của cấp sơ thẩm và phúc thẩm: Tòa án cho rằng, căn nhà và diện tích đất là 225m2 nhưng mặt tiền giáp với đường Lê Lợi chỉ có 5,7m2, ngoài ra ba phía còn lại giáp với nhà đất của cá nhân và tổ chức khác, nếu chia theo hiện vật không đảm bảo điều kiện sinh hoạt và giá trị của tài sản, do đó nên chia bằng giá trị.

Tác giả cho rằng, việc Tòa án chia bằng giá trị căn nhà trên là hoàn toàn hợp lý, bởi vì diện tích căn nhà nhỏ, không thể chia bằng hiện vật cho tất cả các đồng thừa kế.

Từ những ví vụ trên có thể thấy, khi chia di sản, chúng ta phải xem xét các quy định liên quan đến di sản là đối tượng của yêu cầu chia và quy định pháp luật liên quan có thể ảnh hưởng đến việc chia bằng hiện vật hay bằng giá trị. Nếu như pháp luật không cho phép thì không thể chia bằng hiện vật mà nên phải chia bằng giá trị.

Ngoài ra, để chia bằng giá trị thì phải xác định được giá trị di sản. Để biết phần mà những người không nhận bằng hiện vật, phải xác định được giá trị của di sản.

Vấn đề đặt ra là hiện nay là BLDS năm 2015 không quy định cụ thể phải xác định giá trị di sản như thế nào? Dẫn đến thực tiễn xét xử mỗi nơi mỗi khác, tòa án có sự áp dụng không thống nhất pháp luật. Có nơi, tòa án xác định giá trị của di sản để chia giá trị cho các đương sự bằng cách áp giá trị quyền sử dụng đất bằng với khung giá đất của UBND trên cùng địa bàn; có nơi tòa án lại xác định theo giá thị trường bằng cách định giá trị di sản theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Từ đó, dẫn đến không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các bên.

Để hiểu rõ vấn đề, tác giả nêu ví dụ bản án chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn Nguyễn Hồng Vũ và bị đơn Nguyễn Hồng Vân[5].

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm: Xác định giá trị phần đất 142,3m2 ,trên có 01 ngôi nhà tầng bằng gạch cốt thép, một nhà trần trị giá 1.465.664.700 đồng là di sản của cụ Phúc và cụ Thịnh. Ở đây cấp sơ thẩm xác định giá trị của di sản theo khung giá UBND tỉnh Bắc Ninh quy định.

Quan điểm của phiên giám đốc thẩm: Tòa án cho rằng, theo biên bản định giá ngày 06/12/2007, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào khung giá của UBND tỉnh Bắc Ninh quy định và giá cả thị trường thực tế đất là 10.000.000đ/m2, giá trị đất tranh chấp là 142,3m2, là 1.420.300.000 đồng. Quá trình giải quyết vụ án các cấp chưa thẩm định hiện trạng đất tranh chấp mà chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để định giá và phân chia di sản là không chính xác. Do đó, khi giải quyết lại vụ án cần xác định lại diện tích đất tranh chấp và tiến hành định giá đất theo giá thị trường.

Tác giả đồng ý với quan điểm của phiên giám đốc thẩm, không đồng ý với quan điểm của hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Việc Tòa án yêu cầu xác định diện tích đất tranh chấp và tiến hành định giá đất theo giá thị trường là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì đặc điểm, tính chất của loại tài sản mỗi nơi mỗi khác, cùng địa bàn nhưng nếu vị trí đất nằm mỗi nơi giá cũng khác. Do đó, di sản phải được định theo giá thị trường mới hợp lý. Nếu định giá trị đất theo khung giá UBND sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của bên được chia di sản bằng giá trị, mức giá trên không phản ánh đúng giá trị tài sản tranh chấp, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thừa kế không được chia hiện vật. Trong trường hợp này, cần phải xác định giá trị quyền sử dụng đất, nhà theo giá trị thị trường mới phù hợp. Nếu các bên thỏa thuận về giá trị di sản thì Tòa án nên tôn trọng sự thỏa thuận; còn nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án phải can thiệp để xác định. Tòa án không được tùy tiện trong việc ấn định giá trị của di sản thừa kế mà phải định giá theo giá thị trường.

Một vấn đề cần chú ý, hiện nay việc tiến hành xác định giá trị di sản vào thời điểm nào luật cũng không nói rõ. Do thường những vụ án liên quan đến tranh chấp chia thừa kế tài sản, giá trị tài sản biến động theo thời gian.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế giữa ông Huỳnh Tấn Thành và bà Huỳnh Thị Hồng[6].

Tòa án cho rằng: “Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu định giá lại, nhưng khi kháng cáo, bà Mỹ, chị Nhung, và anh Hoàng Anh đề nghị xem xét phân chia di sản trên theo giá thị trường. Để đảm bảo quyền lợi cho bên không được nhận di sản, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự xác định lại giá theo Chứng thư thẩm định số: 15/2018/HĐ-TĐG ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Sài Gòn, do bị đơn cung cấp giá trị tài sản tranh chấp theo giá thị trường để chia thừa kế….”.

Tác giả cho rằng, việc Tòa án xác định giá trị di sản theo giá thị trường là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, Tòa án rất thận trọng trong việc định giá tài sản, thời điểm định giá ngay cấp phúc thẩm sát với giá trị thực tế, do giá trị tài sản thường biến động theo thời gian. Nếu như chúng ta định giá quá lâu, giá trị tài sản ít nhiều cũng thường thay đổi, gây ảnh hưởng đến quyền của bên không được nhận di sản. Do đó, nếu việc định giá đã thực hiện từ rất lâu trước khi việc giải quyết tranh chấp thì chúng ta phải định giá lại. Theo tác giả, việc xác định giá tại thời điểm có tranh chấp là hoàn toàn phù hợp.

Một điều cần lưu ý, trong thông điệp mà bản án trên nêu lên về việc định giá tài sản tranh chấp theo giá thị trường, Tòa án phải căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự xác định lại giá. Tác giả cho rằng, quan điểm này hoàn toàn hợp lý và đúng theo quy định, trong thời gian tới TANDTC nên hướng dẫn để thống nhất trong thực tiễn xét xử tại các Tòa án địa phương, có thể phát triển thành án lệ.

3. Kết luận và một số kiến nghị

Thứ nhất, giá trị tài sản biến động theo thời gian. Do đó, nếu việc định giá đã thực hiện từ rất lâu trước khi việc giải quyết tranh chấp, chúng ta phải định giá lại. Sẽ hợp lý hơn nếu giá trị di sản được xác định tại thời điểm giải quyết các vấn đề về thừa kế (tức là giải quyết tranh chấp). Giải pháp này sẽ đảm bảo quyền lợi cho bên không được nhận di sản.

Thứ hai, để đảm bảo thống nhất trong thực tiễn xét xử, TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng là xác định giá trị di sản phải tiến hành định giá theo đúng trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án phải căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định giá trị di sản.

Thứ ba, TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn trong việc phân chia di sản bằng giá trị theo hướng các tòa án địa phương không được xác định giá trị của di sản bằng cách căn cứ vào các công văn của UBND để định giá tài sản, mà phải xác định giá trị di sản theo giá thị trường. Việc xác định giá trị tài sản căn cứ vào giá của UBND có thể được chấp thuận với điều kiện là phù hợp với giá thị trường.

Thứ tư, cần ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định ai là người sẽ nhận di sản bằng hiện vật, theo hướng phải xác định được ai là người thật sự có nhu cầu cấp bách về chỗ ở để nhận di sản bằng hiện vật. Khi di sản có thể chia bằng hiện vật cho những người có nhu cầu thì tòa án phải tiến hành chia bằng hiện vật. Khi xác định người nhận di sản bằng hiện vật, tòa án cần tuyên bố người nhận bằng hiện vật là chủ sở hữu tài sản để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Thứ năm, để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự trong việc phân chia hiện vật, cần thu thập chứng cứ làm rõ nhu cầu cấp bách về chỗ ở, khả năng tài chính của các bên để phân chia nhà đất hợp tình, hợp lý.

Tài liệu trích dẫn:

1 Đỗ Văn Đại (2019), Luật Thừa kế Việt Nam (Tập 2), Bản án và bình luận Bản án, NXB Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, trang 511.

2 Tòa án nhân dân tối cao (2014), Quyết định giám đốc thẩm số 160/2014/DS-GĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Tòa án nhân dân tối cao về việc: “Tranh chấp chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất”.

3 Tòa án nhân dân tối cao (2013), Quyết định giám đốc thẩm số 26/2013/DS-GĐT ngày 22/4/2013 về việc tranh chấp di sản thừa kế.

4Đỗ Văn Đại, Luật Thừa kế Việt Nam (Tập 2), Bản án và bình luận Bản án, trang 504.

5 Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, (2009), Bản án số 83/2009/DSPT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên về tranh chấp di sản thừa kế.

6 Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (2019), Bản án số 05/2019/DS-PT ngày 07/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp thừa kế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Đỗ Văn Đại (2019), Luật Thừa kế Việt Nam (Tập 2), “Bản án và bình luận Bản án”, NXB. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam.
Lý Văn Toán - Nguyễn Thị Kim Lan (2018), Công nhận giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7, năm 2018, tr.12.
Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, (2009), Bản án số 83/2009/DSPT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của về tranh chấp di sản thừa kế.
Tòa án nhân dân tối cao (2013), Quyết định giám đốc thẩm số 26/2013/DS-GĐT ngày 22/4/2013 về việc tranh chấp di sản thừa kế.
Tòa án nhân dân tối cao (2014), Quyết định giám đốc thẩm số 160/2014/DS-GĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 về việc: “Tranh chấp chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất”.
Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (2019), Bản án số 05/2019/DS-PT ngày 07/01/2019 của về việc tranh chấp thừa kế.Ngày nhận bài: 6/4/2020

PERFECTING LEGAL PROVISIONS FOR THE DIVISION OF INHERITANCE

Danh Pi Sach

People's Court of Chau Thanh District, Kien Giang Province

Ph.D student, Master. Nguyen Truong Tho

Lecturer, Kien Giang University

Ph.D student, Master. Nguyen Thi Ngoc Ha

Lecturer, Kien Giang University

Abstract:

This article analyzes the legal provisions for the division of inheritance in the form of value and assets. The article also points out difficulties and shortcomings of these legal provisions, thereby making recommendations to perfect these provisions.

Keywords: Inheritance, division, asset, value, legal provisions.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoan-thien-quy-dinh-phap-luat-ve-phan-chia-di-san-thua-ke-72436.htm