Hoãn tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng lao động giữa người nước ngoài và công ty WMC

Sáng ngày 22/1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ phúc thẩm án tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông Anthony (SN 1972, quốc tịch Anh) với bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Quản lý BĐS Windsor (gọi tắt WMC). Cuối buổi xét xử HĐXX đã công bố hoãn tuyên án để HĐXX có thời gian nghị án và đưa ra kết quả. Buổi tuyên án phúc thẩm sẽ được HĐXX công bố sáng 29/1/2019.

Liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng lao động giữa người nước ngoài và công ty Windsor, trước đó, vụ án đã được TAND quận 1, TP.HCM thụ lý số 1738/2016/TLST LĐ ngày 18/10/2016 và xét xử sơ thẩm ngày 26/9/2018 theo Bản án số 296/2018/LĐ-ST. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Anthony yêu cầu buộc WMC phải bồi thường 2 tháng tiền lương hơn 22 ngàn USD (hơn 532 triệu đồng); Trả tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 20/10/2015 đến ngày 26/9/2018 với số tiền hơn 388 ngàn USD (hơn 9 tỉ đồng); Trả khoản tiền chênh lệch những ngày làm việc chính thức với số tiền hơn 65 triệu đồng. Tổng số tiền WMC phải trả cho ông Anthony là hơn 9,6 tỉ đồng.

Đơn kháng cáo của nguyên đơn là ông Anthony (quốc tịch Anh).

Đơn kháng cáo của nguyên đơn là ông Anthony (quốc tịch Anh).

Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa sơ thẩm HĐXX, TAND quận 1, TP.HCM đã không chấp nhận bất kỳ yêu cầu của phía ông Anthony đưa ra. Phía nguyên đơn đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sở thẩm của TAND quận 1. Lý do mà luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đưa ra khi kháng cáo sơ thẩm là đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì Bản án sơ thẩm được ban hành không đúng thẩm quyền.

Ngày 7/1, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ phúc thẩm án tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông Anthony (SN 1972, quốc tịch Anh) với bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Quản lý BĐS Windsor. Cuối buổi xét xử HĐXX đã công bố tạm ngừng buổi phúc thẩm.

Quang cảnh buổi xét xử phúc thẩm sáng ngày 22/1.

Sáng ngày 22/1 TAND TP.HCM tiếp tục mở buổi xét xử phúc thẩm vụ án. Mở đầu buổi xét xử HĐXX đã tạo điều kiện cho 2 bên (Nguyên đơn và bị đơn) tự thương lượng và thỏa thuận với nhau cho thấu tình đạt lý. Tại phiên tòa tiếp tục xét xử phúc thẩm sáng 22/1, đại diện WMC đưa ra mức hỗ trợ 1.500 USD. Cho rằng số tiền bị đơn đưa ra là quá nhỏ và gọi là tiền hỗ trợ nên phía nguyên đơn đã bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi đến đây để đòi lại công bằng, đòi lại danh dự, uy tín và số tiền bồi thường xứng đáng chứ không phải đến đây với để xin số tiền hỗ trợ 1.500 USD từ WMC”. Vì việc thỏa thuận giữa 2 bên không thành công, HĐXX phải tiếp tục xử phúc thẩm án.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Luật sư Lâm Hiền Phước, Cty Luật Huỳnh Phước Hiệp và cộng sự là Luật sư Ngô Lệ Quỳnh, Luật sư Cty Luật QAP (thuộc đoàn luật sư TP.HCM) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Thân chủ tôi đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của quận 1 vì cho rằng bản án số 296 ban hành đã không dựa vào các căn cứ pháp lý, không xem xét hết các tình huống khách quan của vụ án, nhận định một cách chủ quan theo đó đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa xét xử sáng ngày 22/1.

Tòa nhà thuộc của Cty CP Tập đoàn Quản lý BĐS Windsor, nơi ông Anthony thử việc.

Tại phiên tòa xét xử, Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP.HCM (VKSND) cho rằng: Căn cứ điều 197 Bộ luật tố tụng quy định Chánh án tòa án quyết định phân công thẩm án giải quyết vụ án, căn cứ điều 47 Bộ luật dân sự 2015 quy định chánh án có nhiệm vụ quyền phân công hội thẩm nhưng không quy định phải làm văn bản cụ thể, và tại điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự thì thẩm phán ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 15/8/2018 và quyết định hoãn phiên tòa ngày 5/9/2018 có ghi tên hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa vì vậy kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật. Về nội dung hợp đồng lao động giữa ông Anthony và WMC tòa đồng ý với nội dung cả 2 thỏa thuận hợp đồng tự nguyện thời gian thử việc là 3 tháng. Căn cứ nghị định số 75 ngày 28/7/2014 của Chính phủ quy định ít nhất một số điều của bộ luật lao động, nhận thấy hợp đồng thử việc ngày 23/5/2015 giữa nguyên đơn và bị đơn là bị vô hiệu, sai quy định tại điều 50 Bộ luật lao động năm 2012 nên theo khoản 1 điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự VKSND TP.HCM đề nghị TAND TP.HCM bác yêu cầu kháng của nguyên đơn của TAND quận 1.

Cuối phiên tòa HĐXX cần có thời gian để nghị án nên kết quả sẽ được HĐXX công bố vào 8h30p sáng 29/1/2019, nếu các đương sự vắng mặt tòa cũng sẽ tuyên án.

Liên quan đến việc tranh chấp lao động ở Việt Nam, ngày 21/1 tại TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Hoàn thiện mô hình hệ thống giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam”. Theo báo cáo của Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), hiện các vấn đề về tranh chấp lao động thường diễn ra ở tranh chấp lao động cá nhân và giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Theo đó, về tranh chấp lao động cá nhân, số lượng các vụ được xủ lý bởi các hòa giải viên trung bình chỉ đạt 3 - 4 vụ mỗi năm. Số vụ được hòa giải thành công chiếm tỷ lệ 60%, số vụ hòa giải không thành chiếm tỷ lệ 40%, nguyên nhân của việc hòa giải không thành là người sử dụng lao động thiếu thiện chí, vắng mặt trong các buổi hòa giải.

Bên cạnh đó, hiện nay, các vụ tranh chấp lao động cá nhân mà tòa án thụ lý đều là các tranh chấp lao động cá nhân. Theo báo cáo của tòa án, trong 5 năm (2012-2016) tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 24.854 vụ tranh chấp lao động (trong đó tranh chấp lao động đưa ra tòa án giải quyết vẫn tập trung chủ yếu ở địa bàn trọng điểm về kinh tế, công nghiệp, dịch vụ phát triển như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…).

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hoan-tuyen-an-vu-tranh-chap-hop-dong-lao-dong-giua-nguoi-nuoc-ngoai-va-cong-ty-wmc-d89491.html