Hoãn xuất cảnh hàng loạt chủ doanh nghiệp do nợ thuế

Cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật các doanh nghiệp nợ thuế.

Loạt "ông lớn" nợ thuế nghìn tỷ

Nhắc đến các doanh nghiệp nợ thuế thời gian qua, không thể bỏ qua các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cuối tháng 12/2023, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức.

Bà Chu Thị Thành bị tạm hoãn xuất cảnh vì là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế gần 940 tỷ đồng.

Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức bị tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ điều tra trốn thuế. Ảnh: VietNamNet.

Cũng trong năm 2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (62 tuổi, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro).

Hải Hà cũng là một "ông lớn" trong kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Tính đến cuối tháng 10/2023, Hải Hà Petro có số nợ thuế lớn nhất, hơn 1.781 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Hải Hà Petro bị bêu tên nợ thuế. Trước đó, tính đến ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà là 1.375 tỷ đồng. Trong đó có 1.141 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác.

Một đầu mối kinh doanh xăng dầu khác là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cũng nằm trong diện nợ thuế. Theo đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil và cấp phó là Nguyễn Thị Như Phương đã bị cấm xuất ngoại để điều tra.

Tháng 9/2023, bà Hạnh và một số đồng phạm bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Khoảng tháng 1/2020, Công ty Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách Nhà nước hơn 89 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, nhưng chỉ 3 năm sau, số nợ đã tăng lên hàng ngàn tỷ. Tính đến tháng 8/2023, số tiền thuế và một số khoản phải nộp mà doanh nghiệp này nợ là 1.529 tỷ đồng.

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương (từ trái qua) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam. Ảnh: Bộ Công an

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.

Theo thông tin được báo chí đăng tải, tính đến ngày 29/2, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai nợ thuế 418 tỷ đồng. Tại Hà Nội, Công ty Hoàng Mai là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Louis City Hoàng Mai). Chủ đầu tư dự án này cũng đang nợ khoản thuế gần 700 tỷ đồng.

Nợ thuế gần 1 triệu đồng cũng bị tạm hoãn xuất cảnh

Cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố thời gian cũng liên tục điểm danh nhiều doanh nghiệp có người đại diện bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.

Tại Hà Nội, đầu tháng 4/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội ra thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật là ông Trần Văn Lương, Tổng giám đốc và ông Hoàng Trung Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công trình và thương mại giao thông vận tải do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Còn Cục Thuế Quảng Ngãi cũng có thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân là chủ doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, gồm ông Đặng Lệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Quảng Ngãi; ông Hồ Nam, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Xây dựng Phú An Lộc; ông Lê Quang Duyên, Giám đốc Công ty Cổ phần bê tông Viet Sin; ông Đoàn Ngọc Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng miền Trung.

Theo cơ quan chức năng, Công ty cổ phần lương thực Quảng Ngãi nợ 1,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần bê tông Viet Sin nợ 3,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Xây dựng Phú An Lộc nợ 1,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng miền Trung nợ 6,5 tỷ đồng.

Trong thông báo của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 17 lãnh đạo doanh nghiệp nợ thuế kéo dài có tên Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư 577, đơn vị chủ đầu tư một dự án bất động sản "khủng" tại Quảng Ngãi, nợ hơn 17 tỷ đồng. Còn Công ty cổ phần Lilama 45.3 nợ hơn 13 tỷ đồng, Công ty cổ phần Licogi nợ hơn 13 tỷ đồng.

Cục thuế tỉnh Quảng Bình hồi tháng 3 cũng ban hành các thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 16 lãnh đạo doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh. Đây là những doanh nghiệp từng một thời có tiếng ở địa phương nhưng do nợ thuế nên bị cưỡng chế thuế, hoãn xuất cảnh.

Trong số này, đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty Cổ phần tập đoàn FLC nợ 278 tỷ đồng; Công ty CP Khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình nợ hơn 135 tỷ đồng; Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco I nợ hơn 76 tỷ đồng…

Mới đây, Cục Hải quan TP. HCM cũng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế. Đáng chú ý là trường hợp lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Gia Thăng bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 997.000 đồng, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế 10,2 triệu đồng.

Ngoài ra, theo danh sách bị tạm hoãn xuất cảnh có Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977 triệu đồng và Giám đốc Công ty TNHH công nghệ thực phẩm An Thái, nợ gần 290 triệu đồng tiền thuế.

Thu Hương

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cam-xuat-canh-hang-loat-chu-doanh-nghiep-do-no-thue-post175116.html