Hoàng Công Lương nhận tội và những băn khoăn từ phiên tòa

Vụ xét xử những người liên quan trong vụ án 8 bệnh nhân tử vong ở khoa lọc máu bệnh viện Hòa Bình là một kỳ án kéo dài và gây sự chú ý của dư luận cũng như khiến báo chí truyền thông tốn không ít giấy mực.

Một trong những bị cáo được chú ý nhiều nhất chính là bác sĩ trẻ Hoàng Công Lương, lại một lần nữa gây chú ý vì trong những ngày cuối của phiên tòa phúc thẩm, đã nhận tội và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Với các vụ án thông thường, sau quá trình tiến hành tố tụng, bị cáo nhận tội thì đó chính là sự “chiến thắng” của công lý, là thành công của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cũng là sự yên lòng của người dân khi công lý được thực thi.

Nhưng lần này, việc bị cáo Hoàng Công Lương nhận tội lại khiến rất nhiều người phải băn khoăn.

BS Hoàng Công Lương trước phiên tòa phúc thẩm

BS Hoàng Công Lương trước phiên tòa phúc thẩm

Gần 2 tháng sau khỉ xảy ra vụ chết người, ngày 22/6/2017, bác sỹ trẻ Hoàng Công Lương bị khởi tố với tội danh Vi phạm các quy định về chữa bệnh, tuy nhiên anh là người duy nhất của Bệnh viện bị khởi tố, những người là cấp trên trực tiếp của anh như trưởng khoa, ban giám đốc lại không hề bị xem xét trách nhiệm khiến dư luận đã không ít lần đặt ra câu hỏi, trách nhiệm chính thuộc về ai.

Thời gian sau đó, với rất nhiều diễn biến bất ngờ, những người khác có trách nhiệm trong bệnh viện mới tiếp tục bị khởi tố.

Cùng với diễn biến kéo dài của vụ án, trong 2 năm BS Lương bị thay đổi tội danh tới 3 lần

Trong tất cả những lần đó, BS Lương đều một mực khẳng định mình vô tội.

Và trong quá trình diễn ra vụ án, Bộ Y tế gửi hai công văn mật đến các cơ quan có thẩm quyền khác cũng như TAND để minh oan cho BS Hoàng Công Lương. Tại thời điểm phiên tòa phúc thẩm được mở, vẫn có sự xung đột quan điểm giữa Bộ Y tế và Bộ Công an.

Điều đó cho thấy sự việc vẫn vô cùng phức tạp và đến tận thời điểm này cho dù HĐXX có đưa ra phán quyết theo bất kỳ hướng nào cũng khó có thể khẳng định đó là bản án thực sự thuyết phục.

Xét cho đến cùng, BS Lương được đào tạo và đã trở thành một bác sỹ và thực tế anh đã làm việc với tất cả chuyên môn mình được đào tạo. Trước khi xảy ra vụ việc BS Lương đã hoàn thành khá tốt trách nhiệm của mình. Chắc chắn anh không được đào tạo về những quy định của pháp luật và thực tế cho thấy anh cũng không thực sự am hiểu pháp luật. Tuy nhiên trong thâm tâm, anh tự nhận thấy mình đã làm tròn trách nhiệm và một cách tự nhiên nhất, hơn ai hết, anh cảm thấy mình vô tội. Cũng chính vì thế trong suốt 2 năm qua anh liên tục khẳng định điều này thậm chí có thời điểm cho rằng mình không còn gì để nói thêm, anh xin giữ quyền im lặng.

Dù không có thẩm quyền cũng như hiểu biết nhiều về pháp luật nhưng chính những thân nhân của những người đã chết trong vụ án đã thủy chung trước sau như một xin minh oan cho BS Lương. Lý do họ đưa ra cũng rất đơn giản cho đến khi xảy ra vụ việc BS Lương luôn tận tình tâm huyết hết lòng trong việc điều trị bệnh nhân. Điều này được chứng minh bằng cả một quá trình chứ không thể bằng một vài hành động. Dẫu không có giá trị chứng minh việc có tội hay không trong vụ án nhưng nó cũng khiến việc truy tố BS Lương về các tội danh trong đó có lỗi “vô ý do cẩu thả” hay “thiếu trách nhiệm” trở nên khó thuyết phục.

Trong quá trình diễn ra vụ án, có rất nhiều luật sư bào chữa cho BS Lương. Chắc chắn cùng với quá trình tiếp xúc với cơ quan điều tra, VKS và các luật sư, Lương sẽ hiểu biết hơn về những quy định của pháp luật. Tuy nhiên với một vụ án phức tạp ngay chính các cơ quan tiến hành tố tụng với những con người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực luật pháp còn phải 3 lần thay đổi tội danh, thì BS Lương chắc chắn cũng chẳng thể nào trở thành một người thực sự am hiểu pháp luật sau 2 năm chính bản thân mình là bị can bị cáo.

Và có lẽ, trước những quy định pháp luật rắc rối phức tạp, trước những phiên tòa căng thẳng mệt mỏi, trước những cáo trạng liên tiếp thay đổi tội danh và cuối cùng trước những nỗ lực của bản thân, của những người ủng hộ mình, những luật sư những nhà báo, dư luận người dân và cả những thân nhân người bị hại... vẫn không đi đến kết quả sáng sủa hơn, BS Lương đã không còn giữ được quan điểm ban đầu: đấu tranh cho sự vô tội của mình.

Việc anh thừa nhận mình phạm tội và xin được giảm nhẹ hình phạt giống như một hành động đầu hàng, giương cờ trắng trước hàng loạt những điều luật khô cứng và trước cơ quan điều tra, công tố dường như đang cố gắng tìm kiếm cho anh một tội danh thực sự phù hợp.

Thực tế, ngay sau khi BS Lương nhận tội, VKS đã đề nghị mức án thấp hơn trong phiên tòa phúc thẩm với lý do bị cáo đã ăn năn hối cải...

Nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ là phá một vụ án mà quan trọng hơn còn cho thấy sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật và góp phần giáo dục ý thức pháp luật cho bị cáo, những người liên quan cũng như toàn xã hội.

Nhưng với vụ án chạy thận Hòa Bình và với riêng BS Hoàng Công Lương, có lẽ vẫn còn quá nhiều những tâm tư, những điều băn khoăn, khó hiểu...

Tiểu Di

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/hoang-cong-luong-nhan-toi-va-nhung-ban-khoan-tu-phien-toa-post60777.html