Hoàng đế Lê Hoàn phá Tống, bình Chiêm chấn hưng quốc gia Đại Cồ Việt

Với những kỳ tích phá Tống, bình Chiêm tên tuổi của Lê Đại Hành Hoàng đế đã lưu danh muôn thuở. Lê Hoàn là vị vua anh minh, mưu lược, quyết đoán nhanh, nhiều cách tân trong xây dựng nhà nước quân chủ hùng mạnh.

Ông cũng là người mở đầu đường lối ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo nhưng rất kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa xã hội đưa quốc gia Đại Cồ Việt mở mang và hưng thịnh vào cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.

Đền thờ Hoàng đế Lê Hoàn tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Thư tịch cổ và thần phả đều chép Lê Hoàn sinh vào ngày Đinh Tỵ (15/7 âm lịch năm Tân Sửu 941) tại sách Khả Lập châu Ái (Kẻ Lập, Kẻ Xốp) nay là làng Trung Lập xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Trước kia cha vua là Mịch (không biết, mẹ là Đặng Thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở ra hoa sen, chỉ chốc lát đã kết bạn, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn (941) là năm Tân Sửu mùa thu, tháng 7 ngày 15 sinh ra Vua. Đặng Thị thấy tướng mạo khác thường bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”.

Tên húy của cha, mẹ Lê Hoàn vẫn là tồn nghi của lịch sử, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nhưng chúng tôi tin rằng nhà vua biết rõ cha mình là ai nhưng vì những điều cấm kỵ ngặt nghèo của giai đoạn lịch sử lúc đó nên Vua không thể công khai trước thiên hạ. Việc ghi chép lịch sử của triều đình Đại Cồ Việt lúc đó chưa có nên là điều khó khăn cho các nhà chép sử đời sau.

Nhiều nguồn tài liệu thống nhất Lê Hoàn sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có tài liệu chép Lê Hoàn sinh ra không biết mặt cha, còn mẹ mất khi vua mới vài ba tuổi. Cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn, đói rét”. Không người thân thích, không nơi nương tựa cậu bé phải lần mò quanh vùng để kiếm sống. Tương truyền một lần cậu bé đặt chân tới làng Mía (nay là Phong Mỹ xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân) thì gặp ông Lê Đột (truyền thuyết cho là Lê Đột được báo mộng có vua đến nhà). Thấy cậu bé có tướng mạo khác thường Lê Đột nhận làm con nuôi và cho đi học. Vốn tư chất thông minh Lê Hoàn học đâu hiểu đó. Trời phú cho Lê Hoàn thân hình vạm vỡ và ông cũng mê nghề võ vật.

Lê Hoàn lớn lên khi triều đình Ngô Vương suy tàn, các con cháu Ngô Quyền đánh giết lẫn nhau, đất nước loạn ly trong cảnh 12 sứ quân cát cứ và tranh giành quyền bính. Năm 956 Đinh Liễn, con trai cả Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh dẹp ở vùng châu Ái thì Lê Hoàn đã hăng hái đầu quân. Thấy Lê Hoàn hăng hái xông pha trận mạc giỏi võ nghệ, nhiều cơ mưu nên Đinh Liễn rất tin dùng, cho làm tướng dưới trướng. Nhờ sự giúp sức đắc lực của Lê Hoàn, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế năm 968 đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình.

Do Lê Hoàn có nhiều công lao lớn nên tháng 2 năm Tân Mùi (971) ông được vua Đinh phong chức Thập đạo tướng quân. Năm 979 Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị bề tôi phản nghịch là Đỗ Thích (mơ nuốt sao băng) giết chết ở sân điện trong đêm. Lê Hoàn cùng các đại thần là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp xướng nghĩa giết Đỗ Thích và tôn phò Đinh Toàn (Duệ) con của Dương Vân Nga lên làm vua lúc mới 6 tuổi. Lê Hoàn được cử làm Phó vương nhiếp chính. Ngờ Hoàn có bụng khác các bầy tôi trung thành với triều Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp đem quân từ châu Ái ra đánh Lê Hoàn. Nhờ tài điều binh khiển tướng Lê Hoàn nhanh chóng dẹp tan cuộc mưu phản. Thấy tình hình nước ta biến động, bọn quan binh nhà Tống dọc biên giới liên tục báo tin cho vua Tống đem binh xâm lược nước ta. Mặt nam quân Chiêm thấy vậy cũng liên tục đem quân quấy nhiễu vùng biên ải. Vận mệnh đất nước lâm nguy ở thế ngàn cân treo sợi tóc, mà nhà vua lại còn quá nhỏ. Để chống giặc dữ đất nước cần phải có người tài ba thao lược việc quân. Được các tướng sỹ và Thái hậu Dương Vân Nga ủng hộ, Lê Hoàn nhận trọng trách trước quốc gia, lên ngôi Hoàng đế vào tháng 7 năm Canh Thìn (980) trực tiếp chỉ huy quân đội đánh giặc.

Tháng 7 năm 980 quân Tống chia hai đường thủy bộ kéo vào xâm lược nước ta. Đội quân thủy gồm hai đạo do Hầu Nhân Bảo và Lưu Trừng chỉ huy từ biển Khâm Châu ven biển tiến vào Đông Bắc Bộ thẳng tới sông Bạch Đằng. Cánh quân bộ do Tôn Toàn Hưng và Trần Khâm Tộ cầm đầu từ Ung Châu qua châu Tô Mậu vào Đông Triều đóng ở Hoa Bộ thuộc vùng đông bắc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Sau một số trận chiến ban đầu gặp bất lợi, Lê Hoàn kịp thời điều chỉnh cách đánh và nhanh chóng đuổi đội quân thủy của Hầu Nhân Bảo từ cửa Đồ Lỗ (cửa sông Kinh Thầy nối với sông Lục Đầu) về sông Bạch Đằng, Hầu Nhân Bảo nhiều lần thúc giục quân bộ tiến quân nhưng Tôn Toàn Hưng viện cớ chờ Lưu Trừng và mãi hai tháng sau mới tiến quân. Lê Hoàn lập mưu sai quân trá hàng dụ được Hầu Nhân Bảo và bắt được y, đem chém đầu vào tháng 3 Tân Tỵ (4/981).

Biết tin chủ tướng Hầu Nhân Bảo bị giết, quân thủy mất vía liền tan vỡ, Tôn Toàn Hưng tháo chạy về nước. Quân của Trần Khâm Tộ thua to chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng. Tướng giặc Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị Lê Hoàn bắt sống giải về Hoa Lư. Lưu Trừng thua trận về nước sợ đến phát ốm mà chết. Vương Soạn bị nhà Tống giết ở Ung Châu. Tôn Toàn Hưng cũng bị giết bêu đầu ở chợ. Sau trận đại bại nhục nhã này rất nhiều năm sau đó nhà Tống từ bỏ hẳn ý định đem quân xâm lược nước ta và thường cử các phái đoàn sứ bộ mở quan hệ bang giao. Giữ yên mặt bắc, năm 982 Lê Hoàn đem quân đánh dẹp Chiêm Thành ở mặt nam và nhanh chóng giành thắng lợi. Đất nước yên bình nhưng Lê Hoàn không chủ quan lơi là. Nhà vua tiếp tục củng cố, phát triển quân đội, mở mang phát triển giao thông, thủy lợi, chú trọng phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thương buôn bán nên kinh tế đất nước nhanh chóng phục hồi, phát triển. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi lớn ở châu Ái, châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An) khởi công hoàn thành trong thời gian ngắn đã giúp phát triển giao thương thuận lợi ở hai vùng nam, bắc. Đặc biệt Lê Hoàn chú ý phát triển nông nghiệp. Nhà vua quản lý ruộng đất qua việc giao một phần đất châu thổ sông Hồng cho các con, cho hưởng hoa lợi bằng việc cống nạp hiện vật, tô lưu dịch. Ruộng đất còn lại chủ yếu giao cho các giáp, xã quản lý, sử dụng, nộp tô thuế cho nhà nước. Triều đình trực tiếp canh tác ruộng đất ở Hoa Lư và Đại La. Nhà vua trực tiếp cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) năm 987 và ở Bàn Hải (?) mở đầu nghi lễ cày “tịch điền” của các đời vua sau này. Kinh tế tiểu thủ công nghiệp phát triển vượt bậc so với thời Đinh, Vua xây dựng các cung điện nguy nga ở núi Đại Vân như quần thể các cung: Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Tọa Lạc, Trường Xuân, Long Lộc trong đó có điện coi chầu trang trí bằng vàng, bạc. Các nghề khai thác kim loại, mỹ nghệ, mộc, đúc, rèn nhờ đó phát triển. Về thương nghiệp, ngoài thị trường trong nước còn mở rộng giao thương với Trung Quốc. Triều đình đúc tiền Thiên Phúc năm 984 nên trao đổi, mua bán hàng hóa bằng tiền tệ phát triển nhất là các vùng trùng lâm đã kích thích sức sản xuất, tiêu dùng của quan lại, người dân.

Lê Hoàn là người mở đầu đường lối ngoại giao mềm mỏng khôn khéo nhưng rất kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ông tỏ rõ ân uy, oai quyền của mình trước mặt sứ thần nhà Tống mỗi khi tiếp họ. Ông thường tìm cớ không chịu lạy nhận chiếu phong của nhà Tống ban cho. Các sứ thần nhà Tống bị bẽ mặt rất uất ức nhưng chẳng thể làm gì được. Sinh hoạt văn hóa dân gian thời Tiền Lê cũng rất phát triển với các lễ hội theo mùa. Sinh hoạt vui chơi, giải trí như: múa hát, đua thuyền, vật, đánh đu, chọi gà... phổ biến ở nhiều vùng. Nét văn hóa bản địa đậm sắc thái có tiếp thu văn hóa Chăm pa. Âm nhạc Chiêm Thành xuất hiện trong sinh hoạt văn hóa cung đình qua màn múa hát của ky nữ Chiêm. Các hoạt động bùa chú, phù phép, mê tín dị đoan cũng khá phổ biến trở thành tập tục xã hội, lưu hành ở nhiều địa phương.

Lê Hoàn là anh hùng dân tộc, vị hoàng đế đầy dũng khí, mưu lược, rất quyết đoán và có tài điều binh, khiển tướng. Đánh giá về công lao sự nghiệp của ông nhà sử học Lê Văn Hưu “đại thủ bút” đời Trần đã viết: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp, chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được” sử sách, tài liệu cũ đều chép ông là người tính phóng khoáng lại thích đàn hát. Trong triều đình tuy có phân rõ địa vị vua tôi, trên dưới nhưng khi đến lúc vui thì nhà vua lại sa vào cùng đám con hát nhảy múa rất vui vẻ. Nhà vua quan tâm xây dựng và củng cố quyền lực qua sai đặt luật lệ, pháp lệnh và xử lý nghiêm vi phạm nhưng bản thân thì có lúc lại quên cả khuôn phép.

Trong 24 năm trị vì đất nước Lê Hoàn có ba lần đặt, đổi niên hiệu là Thiên Phúc (980-988), Hưng Thống (989-994) và Ứng Thiên (994-1005). Lê Đại Hành Hoàng đế băng hà vào ngày 8/3 âm lịch năm Ất Tỵ (1005) niên hiệu Ứng Thiên thứ 12 tại điện Trường Xuân, thọ 65 tuổi, táng tại Hoa Lư, Ninh Bình.

Tri ân, tôn vinh công lao sự nghiệp của vị vua khai sáng vương triều Tiền Lê, các đời vua sau này đã cho dựng đền thờ vua, tu bổ lăng mộ các vị thân sinh ông ở quê hương Thọ Xuân, nơi ông làm vua ở kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, nơi ông đến thăm (Bảo Thái, Thanh Liêm, Hà Nam). Hiện nay tại đền thờ Lê Hoàn ở Trung Lập, Xuân Lập, Thọ Xuân hiện còn lưu giữ hai tấm bia do các nho thần danh tiếng Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Thục soạn dựng vào năm 1602 và 1628. Đền hiện lưu giữ bảo vật quí là chiếc đĩa màu trắng, đường kính rộng 50cm, tương truyền là do Tống Thái Tông tặng.

Di tích đền thờ Lê Hoàn được công nhận cấp quốc gia, được ngân sách Trung ương và tỉnh đầu tư tu bổ hơn 10 tỷ đồng trong khoảng 10 năm nay. Lễ hội được tổ chức vào ngày giỗ của ông (mồng tám tháng ba âm lịch, thường tổ chức trong vài ba ngày). Vào dịp lễ hội, trước đây dân làng Trung Lập gói bánh chưng và nung trong chum, làm gỏi cá chép, mứt cà (tương truyền là để nhớ lại những ngày tháng hàn vi của Vua thuở nhỏ). Những năm gần đây vào các năm lẻ xã, huyện đều đứng ra tổ chức, còn các năm chẵn 5 và 10 huyện phối hợp các ngành cấp tỉnh tổ chức lễ hội trang trọng qui mô, cuốn hút nhân dân ở nhiều vùng miền trong tỉnh tham dự. Ban tổ chức lễ hội đã chú trọng khai thác các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống của các địa phương trong tỉnh phục vụ người dân dự lễ hội. Việc làm này góp phần giáo dục truyền thống để mọi người hiểu, trân trọng, có ý thức bảo vệ gìn giữ phát huy vốn quí đó trong xây dựng và phát triển nền văn hóa mang đậm tính dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học theo tinh thần Nghị quyết 33 Hội nghị TW9 (khóa XI) đã đề ra.

Phạm Minh Trị

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hoang-de-le-hoan-pha-tong-binh-chiem-chan-hung-quoc-gia-dai-co-viet-61227