Hoàng Duy Vàng: 'Nhiều khi tôi mắc cỡ với đời…'

Ngấp nghé 40 và có một vị trí trong làng hội họa mà bảo 'mắc cỡ với đời' thì nghe vừa xạo lại vừa sến. Ấy thế mà tôi tin ngay được khi nghe Hoàng Duy Vàng nói câu ấy. Cái vẻ nửa kiêu hãnh nửa bẽn lẽn, nửa bình thản nửa quẫy đạp, nửa xác tín bản thể nửa chấp chới hoài nghi trong ánh mắt anh, trong cả cử động của những ngón tay kẹp điếu thuốc lá vẩy làn khói run rẩy, làm tôi chẳng chút nghi ngờ. Vàng nói thật đấy, dù đành là có chút não nùng.

“Mỗi lần đến lại mang theo bí mật”

Xưởng vẽ của Hoàng Duy Vàng rộng vẻn vẹn 10m2 ở con phố cứ mưa là ngập mang tên Phan Bội Châu. Hơn 10 năm qua, anh vẽ ở đấy. Mới 38 tuổi, nhưng Vàng sinh hoạt như một người già. Sáng 4-5 giờ đã dậy. Có hôm dậy sớm quá, chẳng biết làm gì bèn xách xe xuống phố đạp vài vòng rồi chờ đến giờ chở con gái nhỏ đi lớp.

8 giờ sáng, anh ngồi vào ghế làm việc như một công chức mẫn cán, cặm cụi trong chiếc công sở tổ chim của mình. Thi thoảng lên sân thượng trồng cái cây này, tỉa cái cành nọ, sang hơn thì xuống phố nhâm nhi tách trà. Nhưng ít thôi vì anh còn bận việc. Vừa làm nhân viên vừa làm lãnh đạo, tự lao động tự trả lương nên đâu dám cắp ô làm màu. Vàng có một số nhà sưu tập ruột, một hai năm ghé mua tranh của anh một lần, đủ để anh không phải lo chuyện sơn toan.

Hoàng Duy Vàng, chàng họa sĩ mẫn cán, cặm cụi với những mảng màu đa chiều

5 năm qua, Vàng khép mình với truyền thông. 5 năm đều đặn làm triển lãm cá nhân nhưng không mời mọc cánh báo chí, chỉ thông báo với số ít đồng nghiệp. “Mà sắp tới có lẽ tôi cũng chẳng báo cho bạn bè biết nữa. Xem ai thực sự quan tâm tới mình. Lâu nay biết đâu tôi đang làm khổ họ, họ chẳng muốn đi nhưng vì nể một lời mời của tôi mà phải tới”, Vàng cười.

“Anh kiêu lắm”, tôi bảo. Vàng lắc đầu, tay vẩy thuốc xuống đất, thủng thẳng: “Là tôi tự gây áp lực cho mình đấy chứ”.

Đúng là Vàng tự gây áp lực cho mình, trong mọi việc. Từ năm 2006 đến nay là trên dưới 10 triển lãm cá nhân, tức trung bình mỗi năm một lần trình diện, nhưng “mỗi lần đến lại mang theo bí mật”. Vàng thể nghiệm đủ mọi thể loại, đủ mọi hình thức, đủ mọi chất liệu. Từ sắp đặt đến trừu tượng, từ điêu khắc tới sơn mài, từ tranh in tới sơn dầu. Người ta chẳng nhìn Vàng ở khía cạnh đổi mới sáng tạo mà đánh giá Vàng ở cái sự loay hoay, như người mù lấy gậy dò đường, chọc ngang chọc dọc chưa biết bước chân theo hướng nào.

Người bảo Vàng lúng túng trong phong cách, người bảo Vàng thức thời chạy theo “trend”, người bảo Vàng giống cán bộ Đoàn đội, cái gì cũng làm nhưng chẳng chuyên sâu món gì, càng rộng lại càng nông… Rồi người ta tiếc một Hoàng Duy Vàng của thời đôi mươi với những nét vẽ chân chỉ hạt bột, thành thật và hồn nhiên.

Nhưng nào Vàng quan tâm. Chẳng giao du, chẳng trà dư tửu hậu nên Vàng đâu biết người ta khen chê gì mình. “Những bức tranh tôi mang ra triển lãm là những tác phẩm tôi đã hoàn thành trước đó cả năm, có khi là vài năm, và đã chuyển sang công việc khác rồi. Thành ra khi người ta bàn luận về tôi thì tôi đã làm việc khác từ lâu. Tôi đâu còn làm cái mà họ đang nói tới”, Vàng nhấp ngụm trà, ánh mắt hấp háy lém lỉnh như đứa trẻ vừa nghĩ ra trò chơi khăm lũ bạn, không quên chua thêm, “Vả chăng là nhiều người đang hiểu lầm về hai chữ phong cách. Phong cách là khi tôi đặt cọ, người ta nhận ra đó là tôi. Hoàn toàn không phải việc tôi trung thành vẽ một cái cây hay một con phố từ năm này qua năm khác.”

“Không biết đến lúc chết tôi có thành họa sĩ hay không…”

Vàng có một cô con gái năm nay lên 6 tuổi. Cô bé có lần hậm hực với bố vì “Tại sao bố là họa sĩ mà bố lại không cho con nói với bạn con bố là họa sĩ, sao lại phải nói là bố làm nghề vẽ?”. Vàng thủ thỉ với con, dù chẳng biết con bé có hiểu được không: “Từ họa sĩ thiêng liêng lắm con ạ. Không dùng tùy tiện được”. Rồi Vàng nói với tôi: “Đến giờ tôi vẫn đang làm nghề vẽ. Không biết đến lúc chết tôi có thành họa sĩ hay không…”. Tôi nhìn thẳng vào mắt Vàng, cố tìm xem anh có đang nói “kiêu” hay “làm màu” không.

Hoàng Duy Vàng: “Thực sự tôi vẽ tranh không phải để bán!”

Thời gian này Vàng đang hứng thú với sơn dầu. Anh cắm cúi ở xưởng từ sáng đến chiều muộn, cả tháng mới xong một bức tranh. Hỏi Vàng những bức này liệu có bán chạy không, Vàng bật cười sảng khoái. Anh bảo anh không ảo vọng hay lý tưởng hóa đến mức vẽ tranh không cần bán: “Nhưng sự thực là tôi vẽ tranh không phải để bán. Khi tôi đặt cọ, tôi chỉ có một nhu cầu duy nhất là sáng tạo và thỏa mãn sáng tạo. Khi tôi triển lãm tôi cũng chỉ có nhu cầu giới thiệu tác phẩm của mình. Tranh bán được hay không là điều thứ phát nảy sinh sau đó, không phải yếu tố khởi phát ra tác phẩm của tôi”.

Đó cũng là lý do mà khi tham gia Không gian Nghệ thuật Flamingo Đại Lải - Art In The Forest 2018, Vàng tìm thấy sự hứng khởi. Anh bảo: “Chủ đầu tư không yêu cầu các nghệ sĩ làm tác phẩm theo sở thích của họ, không lồng ghép yếu tố thương hiệu, không đặt vấn đề kinh doanh. Mục tiêu lâu dài của họ là có một khu triển lãm các tác phẩm nghệ thuật thu hút được công chúng nhưng họ không yêu cầu nghệ sĩ phải tạo ra tác phẩm ăn khách. Điều đó cho thấy họ thực sự hiểu nghệ thuật, thực sự muốn tạo ra một sân chơi thuần túy nghệ thuật và tối thượng nghệ thuật”.

Vàng bảo những sân chơi như thế không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm có.

Không gian nghệ thuật giữa rừng AIF 2018 là nơi Hoàng Duy Vàng sáng tạo và thỏa mãn sáng tạo theo cách anh mong muốn

Tôi tò mò muốn biết Vàng vẽ gì khi tham gia một triển lãm tổ chức bởi một chủ đầu tư về bất động sản, khi mà sự ngẫu hứng, thăng hoa của cảm xúc có thể bị đặt xuống hàng thứ yếu sau mệnh lệnh sáng tác, Vàng lại cười: “Người làm nghề sáng tạo thực ra rất giống với người làm nghề khoa học, tức anh phải lao động kiên trì mới cho ra kết quả và anh càng có quy tắc bao nhiêu thì càng có kết quả tốt bấy nhiêu. Tôi không phủ nhận sự thăng hoa, lóe sáng trong giây phút, nhưng mấy ai có được tia chớp trong cuộc đời sáng tạo của mình.”

Một ngày của Vàng tích tắc trôi đi theo những nhát bay. Tôi nghĩ về nỗi hoài nghi bản thể của Vàng, liệu anh có thực không xem mình là họa sĩ sau tất cả những gì đã và đang làm suốt mười mấy năm qua hay chỉ là cách nói màu mè với kẻ ngoại đạo như tôi. Nhưng nhìn Vàng nói về hội họa bằng giọng nói hồn nhiên quá, hồn nhiên và bẽn lẽn, tôi liền tin anh. “Nhiều khi tôi mắc cỡ với đời, ngượng ngùng không dám xưng danh”, Vàng bảo. Và tôi lại tin, nghe anh thổ lộ niềm trăn trở: “Làm thế nào để hồn nhiên mà vẫn sâu sắc hay sâu sắc mà vẫn hồn nhiên được đây?”.

Tôi không biết Vàng làm thế nào và đã tìm ra cách làm hay chưa. Nhưng nhìn những nhát cọ điên rồ trong xưởng vẽ ngổn ngang này, tôi nghĩ Vàng đã chạm được vào bản năng gốc của mình. Vàng còn trẻ, thời gian của Vàng còn dài. Cứ chờ Vàng ở những chiêm nghiệm mới. Cùng là một công đi lại với thời gian.

Art In The Forest là chương trình nghệ thuật thị giác vì cộng đồng được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay. Năm 2016, chương trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn trong Top 5 sự kiện mỹ thuật Quốc gia tiêu biểu, đồng thời Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng xác lập kỷ lục “Khu Resort có không gian nghệ thuật bên hồ lớn nhất Việt Nam” cho Flamingo Đại Lải Resort.

Art In The Forest 2018 diễn ra từ ngày 1 đến 7.12.2018 với sự tham dự của 9 nghệ sĩ cùng các tác phẩm hội họa và điêu khắc.

Bài và ảnh: Thanh Thư

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hoang-duy-vang-nhieu-khi-toi-mac-co-voi-doi-16488.html