Hoang hóa khu quy hoạch hạ tầng đấu giá đất

Hạ tầng các khu quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương vẫn ngổn ngang, hoang hóa sau nhiều năm đưa vào đấu giá, khiến người dân chưa thể xây dựng nhà cửa để ở được dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Hạ tầng khu quy hoạch dân cư ở Thuận An (TP. Huế) vẫn còn ngổn ngang, nhiều nền đất ngập nước

Khảo sát ở các địa phương như TP. Huế, Phú Vang, Hương Thủy, hàng loạt khu quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất sau nhiều năm rộn ràng triển khai đưa vào đấu giá thì nay hoang hóa, xuống cấp khi nhiều nơi vẫn còn là đường đất, hiện trạng đất ruộng, thậm chí một số địa phương người dân đã “quay trở lại” canh tác lúa dù đất đã được Nhà nước thu hồi.

Tại khu quy hoạch dân cư Diên Đại (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang làm chủ đầu tư, từ năm 2018 đến nay, đã trải qua nhiều lần đấu giá quyền sử dụng đất ở các khu khác nhau nhưng hạ tầng ở đây vẫn ngổn ngang, hiện trạng đất ruộng hiện hữu.

Đây là khu quy hoạch nằm ngay tuyến đường liên xã Phú Xuân - Phú Hồ, hàng chục hộ dân đã tham gia đấu giá và được cấp GCNQSDĐ nhiều năm nhưng chưa thể xây dựng nhà cửa. Nguyên nhân, hạ tầng ở khu quy hoạch dân cư Diên Đại chưa đồng bộ, đầu tư bước đầu quá sơ sài. Trong khu quy hoạch chỉ vài tuyến đường bê tông , còn lại là đường đất.

Ông V.N.M, một hộ dân ở đây cho biết, sau 6 năm đấu giá, ngoài đường sá ngổn ngang, toàn đường đất thì ở khu quy hoạch hệ thống điện, nước, mương thoát nước mặt… gần như không có, hoặc đầu tư “cho có” từ buổi đầu tổ chức đấu giá nên người dân không thể xây dựng nhà cửa. Mặt khác, hiện trạng mặt bằng ở đây chủ yếu vẫn là đất ruộng, một số khu vực người dân vẫn canh tác trồng lúa dù đất đã được Nhà nước thu hồi và tổ chức đấu giá.

Tại phường Thuận An (TP. Huế), tổng số lô tại các khu đấu giá quyền sử dụng đất 7A, 7B và Tân Mỹ gồm 273 lô, đến nay đã đấu giá hết. Tuy nhiên, khu vực dân cư ở đây vẫn còn thưa thớt, hiện mới chỉ có 50 hộ dân đến xây dựng nhà ở tại 2 khu quy hoạch trên.

Nguyên nhân người dân chưa đến ở chủ yếu do hạ tầng xuống cấp, các khu quy hoạch bán đấu giá trước đây (thời điểm đó Thuận An chưa sáp nhập vào TP. Huế) được đầu tư hạ tầng không đồng bộ, sơ sài và rất ít tuyến đường được đầu tư hệ thống thoát nước. Hiện trạng các lô đất như những “ao tôm”, dẫn đến khi có mưa, lũ lụt là cả khu vực bị ngập trong thời gian dài. Hạ tầng thiếu đồng bộ, ngập úng thường xuyên khiến người dân chưa thể đến xây dựng nhà ở.

“Thời điểm đấu trúng những lô đất tại khu quy hoạch này, chủ đất phải bỏ thêm nhiều tiền để đổ bình quân 400 - 500m3 đất san lấp, tạo mặt bằng mới làm nhà được. Trong khi đó, hạ tầng điện, nước và giao thông đều thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho người dân khi đến xây dựng nhà cửa”, ông B.V.N, một hộ dân sống trong khu vực cho biết.

Ông Nguyễn Đặng Hoài Thương, Công chức Địa chính - Xây dựng phường Thuận An cho rằng, các khu quy hoạch này hiện trạng chưa có hệ thống thoát nước, hệ thống điện, cấp nước nên người dân tự bỏ kinh phí để lắp đặt. Kết cấu mặt đường đất cấp phối, “cốt” đường thấp nên thường hay bị ứ đọng nước dài ngày, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Sau khi sáp nhập vào TP. Huế, UBND phường Thuận An đã có các văn bản gửi Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đề xuất kiểm tra, nêu rõ những bất cập các vị trí kết cấu hạ tầng trên địa bàn phường. Theo đó, đề xuất quan tâm khảo sát tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng tại các khu quy hoạch 7A, 7B và Tân Mỹ nhằm chỉnh trang đô thị và ổn định cuộc sống người dân.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang, liên quan đến khu quy hoạch Diên Đại, mới đây UBND huyện Phú Vang đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, trong đó có hạng mục bê tông hóa các đoạn đường còn lại, hệ thống mương thoát nước và trụ điện dọc theo khu quy hoạch. Công trình sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng tại khu quy hoạch nhằm phục vụ người dân đến xây dựng nhà ở.

Sau khi người dân trúng đấu giá và thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện sẽ tiến hành bàn giao đất thực tế cho các hộ dân trúng đấu giá, do đó quyền quản lý lô đất trúng đấu giá thuộc về người trúng đấu giá. Về thực trạng một số khu vực, người dân vẫn còn canh tác trồng lúa, do người trúng đấu giá chưa tổ chức xây dựng nhà cửa nên người dân chỉ tận dụng để sản xuất và chấm dứt sản xuất khi chủ sử dụng đất có yêu cầu.

15 năm chưa có hạ tầng

Tại khu hạ tầng đấu giá đất ở tổ 5, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy sau gần 15 năm vẫn chưa được đầu tư đường, điện chiếu sáng và nước sinh hoạt khiến người dân không thể xây dựng nhà cửa. Theo UBND phường Thủy Lương, từ năm 2005, UBND huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân Lương Mỹ, xã Thủy Lương, huyện Hương Thủy. Tại thời điểm đó, do kinh phí còn hạn chế nên hạ tầng khu quy hoạch chưa được đầu tư điện, nước sinh hoạt và đường chỉ đổ đá cấp phối làm bó vỉa. UBND phường kiến nghị cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu quy hoạch này thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ban-doc/hoang-hoa-khu-quy-hoach-ha-tang-dau-gia-dat-136942.html