Hoàng hôn xanh

Hoàng hôn xanh là tiêu đề cuộc hội ngộ thơ và thơ được phổ nhạc của nhà thơ Nguyễn Thị Nhường, do Câu lạc bộ Hàm Rồng tổ chức.

Nhà thơ Nguyễn Thị Nhường.

Nguyễn Thị Nhường sinh năm 1941 tại xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc trong một gia đình nền nếp, hiếu học.

Sau khi tốt nghiệp trường kế toán ngân hàng, chị như con chim được tung cánh trên bầu trời xanh lộng gió. Chị nhận công tác ở nhiều nơi xa xôi như Quảng Ninh, Cao Bằng. Mãi năm 1994 chị mới được chuyển về làm Phó Giám đốc Ngân hàng Sầm Sơn Thanh Hóa cho đến ngày nghỉ hưu. Tuổi thanh xuân của Nguyễn Thị Nhường đã vượt qua biết bao thử thách, thác ghềnh của cuộc sống, mà có lẽ thử thách lớn nhất là người chồng thân yêu ra đi ở tuổi còn thanh xuân; một nách ba đứa con làm sao việc nước làm tròn, việc nhà trọn vẹn?. Người phụ nữ ấy đã vượt lên bằng chính nghị lực của mình nuôi ba người con ăn học và trưởng thành trong cuộc sống.

Được nghỉ hưu trên mảnh đất phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, chị vẫn tham gia nhiệt tình công tác xã hội và một cơ may đã đến, chị vào Câu lạc bộ thơ Trường Thi, nơi hội tụ các tâm hồn thơ của những người cùng phố. Họ là những sĩ quan quân đội, những cán bộ chủ chốt của tỉnh, những thầy giáo, cô giáo; những trí thức và cả những người dân bình thường. Chị còn tham gia hội thơ đường của tỉnh, ban thơ Câu lạc bộ Hàm Rồng.

Đối với những người nghỉ hưu, thơ là nguồn mạch tinh thần cho cuộc sống; nhiều người vịn vào thơ để sống tiếp những ngày còn lại có ý nghĩa. Nguyễn Thị Nhường đã mang tâm hồn thơ của mình góp phần làm phong phú những câu lạc bộ thơ, cũng là nguồn cổ vũ, động viên cho nhiều người cao tuổi xung quanh mình.

Bồi hồi xúc động tim tôi,

Vần thơ nỗi nhớ suốt đời không quên.

Cảm ơn thơ của bạn hiền,

Bay về sưởi ấm niềm riêng đong đầy.

Tình thơ tình bạn đắm say,

Tình người chia sẻ vơi đầy trong thơ.

Hoàng hôn hãy cố đứng chờ,

Ta còn trả nợ vần thơ cho đời.

N.T.N

Những vần thơ trên như một tuyên ngôn của người cao tuổi còn đang vươn tới sống vui, sống khỏe, cùng làm việc có ích cho đời.

Nguyễn Thị Nhường đã xuất bản mấy tập thơ với hàng trăm bài thơ về tình yêu đối với Đảng, Bác Hồ, đối với sự nghiệp vẻ vang của Tổ quốc và không thể không kể đến những bài thơ về tình yêu và cuộc sống:

Biển yêu ơi bao lần ta mơ ước,

Được đắm mình trong biển nước bao la.

Và:

Anh là biển biếc trùng khơi,

Em là cánh sóng trọn đời thủy chung.

(Biển và em)

Chị nhớ quê, thả hồn vào những câu thơ:

Nhớ về quê mẹ xa xôi,

Bao năm lắng đọng trong tôi nghĩa tình.

Nhớ cây đa, nhớ mái đình,

Lung linh bến nước in hình đôi ta...

Ai cũng có mẹ và mẹ của nhà thơ được ghi tạc trong những câu thơ gan ruột:

Mỗi lần tết đến con về,

Trèo hái cau cho mẹ

Cau nghiêng chao theo gió

Mẹ ngước nhìn âu lo.

Và khi không còn mẹ:

Thương mẹ đến cồn cào,

Cau vẫn còn đứng đó

Mẹ bây giờ ở đâu?

Tình yêu quê hương của Nguyễn Thị Nhường rất cụ thể, rất gần gũi: Từ cây cầu Hàm Rồng, từ vườn cau trĩu quả, từ vườn hoa bên nhà... và sự nồng nàn ấy đọng lại ở nơi mình đang sống, đó là phường Trường Thi.

Yêu lắm Trường Thi ơi,

Nơi sĩ tử một thời lều chõng.

Ngã ba Bia Trường Thi văn hiến,

Những hiền tài làm rạng rỡ non sông.

Và:

Ôi Trường Thi yêu thương,

Trong tâm hồn và nỗi nhớ không quên,

Ta mãi bên người,

trong nhịp bước đi lên.

Hai mươi năm Câu lạc bộ thơ Trường Thi do chị làm chủ nhiệm đã xuất bản hơn 30 tập thơ với hàng ngàn bài thơ phục vụ cho bạn đọc là một cố gắng không nhỏ. Trong những tập thơ ấy, lấp lánh bao mồ hôi, công sức của người giữ lửa, người “cầm cân nảy mực” Nguyễn Thị Nhường. Chị đã có hơn hai chục bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc trữ tình vang mãi trong lòng người đọc, người nghe.

Trần Đàm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/gl0g2q/new-article.aspx