Hoang phế di tích, biệt thự cổ

Nhiều di tích, biệt thự cổ với kiến trúc độc đáo đang bị bỏ hoang hoặc cơi nới một cách vô tội vạ

Ngày 1-8, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan này đã kiểm kê, niêm phong 42 hiện vật lưu giữ ở Khu Di tích Lầu Bảo Đại, không để thất lạc. Tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hiện có gần 50 biệt thự dùng làm trụ sở của các cơ quan là còn được giữ gìn, còn lại đa số biệt thự cổ cho các hộ dân thuê ở, doanh nghiệp thuê để kinh doanh đều đã bị biến tướng, hoang phế hoặc cơi nới.

Xót xa di tích Lầu Bảo Đại

Khu biệt thự Cầu Đá (Lầu Bảo Đại) trên núi Cảnh Long (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) giáp biển, phong cảnh tuyệt đẹp, rộng hơn 12 ha được xây dựng từ năm 1923. Khu biệt thự này gồm 5 biệt thự, trong đó 2 căn có kiến trúc độc đáo là Nghinh Phong và Vọng Nguyệt. Trước đây, khi đi tuần thú phương Nam, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương thường nghỉ chân ở đây. Năm 1995, khu biệt thự Cầu Đá được xếp vào danh sách di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nhưng chưa được lập hồ sơ di tích để bảo tồn theo Luật Di sản.

Một ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang ở TP Đà Lạt Ảnh: ĐÌNH THI

Một ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang ở TP Đà Lạt Ảnh: ĐÌNH THI

Năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương cho Tổng Công ty Khánh Việt (đơn vị quản lý) liên kết với Công ty CP Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà triển khai dự án khu biệt thự cao cấp Lầu Bảo Đại. Tuy nhiên, hiện di tích Lầu Bảo Đại ngày càng xuống cấp, nhiều khu vực dọc sườn núi cây cối xơ xác, đất đá bị đào bới, ủi phá ngổn ngang. Theo lãnh đạo Công ty Khánh Hà, dự án bị tạm dừng thi công gần 2 năm qua, đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại để chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Khánh Hòa.

Trước tình trạng thi công dở dang tại đây, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa tỏ ra bức xúc vì nguy cơ phá vỡ di tích, lãng phí tài nguyên du lịch. Đại biểu Nguyễn Ngô, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: "Xây resort phải thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến cảnh quan nhưng nhà đầu tư đã cho cạo trọc đồi Cảnh Long". Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Sở này yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng phương án, chỉnh sửa quy hoạch theo hướng bảo tồn và tôn tạo 5 ngôi biệt thự nhưng không được phá vỡ kiến trúc cũ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh; giữ gìn và trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan. Nếu không đáp ứng sẽ dừng dự án".

Biến tướng biệt thự cổ

TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 căn xây dựng trước năm 1975. Những biệt thự này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp, do những kiến trúc sư tài hoa như E.Hébrard, Pigneau, Mondet, Lagisquet… thiết kế.

Biệt thự số 5 đường Trần Hưng Đạo phần gỗ và ngói trên mái lâu ngày bị gió cuốn văng, bên dưới được người dân dùng làm xưởng mộc. Còn ngôi biệt thự cổ nổi tiếng số 13 đường Trần Hưng Đạo lại bị cơi nới để nhồi nhét cả chục hộ dân vào ở. Nơi đây vào năm 2018, đã xảy ra vụ thảm án khiến 5 người trong một gia đình chết cháy do mâu thuẫn với hàng xóm. "Tình trạng nhiều biệt thự cổ bỏ hoang không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn rất nguy hiểm cho người dân khi những căn nhà này lâu ngày đã bị xuống cấp. Nhiều trận mưa, lốc xoáy làm nhiều cánh cửa va đập, văng ra đường va vào nhà dân lân cận gây nguy hiểm" - bà Tôn Nữ Kiều Lan (60 tuổi, ngụ đường Quang Trung, TP Đà Lạt) phàn nàn.

Về tình trạng này, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, người tâm huyết với việc gìn giữ nét đẹp cổ kính của TP Đà Lạt, đánh giá: "Các biệt thự cổ ở Đà Lạt được xem là bộ sưu tập kiến trúc tiêu biểu của các vùng miền nước Pháp. Không chỉ phong phú về thể loại mà còn đa dạng về phong cách, thẩm mỹ mà không đô thị nào của Việt Nam có được, tình trạng hoang phế như hiện nay là rất đáng tiếc".

"Nhà ma"

Qua khảo sát, đánh giá thực trạng kiến trúc của các cơ quan chức năng, Đà Lạt chỉ có hơn 20% số biệt thự còn nguyên trạng hoặc được tu sửa, 30% hư hỏng nặng, xuống cấp trầm trọng, 50% bị cơi nới, cải tạo thay đổi về cơ bản cấu trúc diện mạo. Đặc biệt, các vùng ven ngoại ô TP Đà Lạt như đèo Prenn, nhiều biệt thự cổ ở các phường Vạn Thành, Xuân Thọ… bị bỏ hoang. Một số bị đồn thổi là "căn nhà ma" và trở thành nơi lập bàn thờ cầu cúng của nhiều người mê tín.

Kỳ Nam - Đình Thi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hoang-phe-di-tich-biet-thu-co-20190801212104428.htm