Hoang phế nhà công sản ở Quảng Trị

Tại tỉnh Quảng Trị, hàng loạt trụ sở, nhà công sản cũ ở các vị trí đắc địa, trung tâm thành phố, huyện lỵ không sử dụng, bỏ hoang nhiều năm, gây nhiều lãng phí. Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị không có chỗ làm việc phải đi thuê hoặc làm việc trong môi trường chật hẹp.

Nằm trên đường Tạ Quang Bửu, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có 2 tòa nhà cao tầng đối diện nhau do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị quản lý, bỏ hoang nhiều năm nay. Đây là trụ sở cũ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội khuyến học, Trung tâm công nghệ thông tin ngoại ngữ, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh…Năm 2018, sau khi xây trụ sở mới tại địa điểm khác, 2 cơ sở nhà đất này đóng cửa. Sau đó, chính quyền địa phương trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Từ đó đến nay, 2 tòa nhà này không sử dụng, nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

Trụ sở cũ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị.

Trụ sở cũ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi chuyển về trụ sở mới, đơn vị không có nhu cầu sử dụng 2 tòa nhà này, đã tham mưu với UBND tỉnh chuyển cho đơn vị khác sử dụng hoặc bán thanh lý nhưng vẫn đang chờ: “Sở đã có tờ trình UBND tỉnh đề xuất chủ trương xin trả lại trụ sở cũ để UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền. Trong lúc chờ chủ trương của tỉnh, chúng tôi tiếp tục quản lý 2 cơ sở nhà đất này và đang phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu UBND tỉnh có phương án tối ưu nhất để khai thác, sử dụng trụ sở cũ”.

Nhà công sở trên đường Tạ Quang Bửu, thành phố Đông Hà bỏ hoang.

Thực trạng nhà công sản, trụ sở làm việc cũ bỏ hoang không sử dụng để xuống cấp, lãng phí diễn ra nhiều nơi ở tỉnh Quảng Trị. Tại trung tâm thành phố Đông Hà, hàng loạt công sở nằm ngay vị trí đắc địa, là “đất vàng” đang rơi vào cảnh hoang phế. Nằm ngay ngã tư 2 trục đường lớn là Hùng Vương và Điện Biên Phủ, trụ sở cũ của Tòa án Nhân dân thành phố Đông Hà trở thành ngôi nhà hoang nhiều năm nay. Các cánh cửa gỗ mục nát, cửa kính vỡ nằm la liệt dưới sàn nhà.

Trụ sở cũ Tòa Án Nhân dân thành phố Đông Hà thành ngôi nhà hoang nhiều năm nay.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra nhiều nơi tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Người dân nhìn thấy cảnh này ai cũng xót xa. Tại Trung tâm thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nằm trên trục đường Nguyễn Hoàng có một dãy 3 công trình liền kề gồm Nhà khách UBND huyện, trụ sở của Phòng Thanh Tra-Tư pháp cũ và Cung Thiếu nhi huyện cũng mặc cho gia súc vào gặm cỏ, sàn nhà đầy phân gia súc. Ông Nguyễn Văn Lượng, người dân ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong bất bình khi thấy các công trình không sử dụng, gây nhiều lãng phí: “Khối tài sản này nếu không sử dụng thì đề nghị có phương án xử lý, giải phóng mặt bằng để làm công viên hoặc cấp lại cho dân ở, chứ để lãng phí. Dân ai thấy cũng xót xa”.

Cửa gỗ tại Trụ sở cũ Tòa án Nhân dân thành phố Đông Hà bị mối mọt ăn hại, hư hỏng.

Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất không còn sử dụng. Đến nay, UBND tỉnh này đã phê duyệt phương án xử lý 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố. Đối với các cơ sở nhà, đất thuộc cấp tỉnh quản lý, hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý được giao cho đơn vị chủ quản quản lý.

Hình ảnh bên trong Trụ sở cũ Tòa án Nhân dân thành phố Đông Hà.

Nhà khách UBND huyện Triệu Phong để hoang lãng phí.

Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị cho biết, trong phương án xử lý nhà đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, phần lớn các trụ sở được giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc thu hồi, điều chuyển cho đơn vị khác, còn lại một số không có nhu cầu sử dụng được bán thanh lý, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Riêng đối với 63 các cơ sở nhà, đất thuộc UBND cấp huyện quản lý đã đề xuất xử lý theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Trụ sở cũ cơ quan Thanh Tra- Tư pháp huyện Triệu phong không còn sử dụng hoang phí.

Theo bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị, từ nay đến năm 2026 phải hoàn thành việc xử lý đối với 63 cơ sở nhà đất này: “63 cơ sở nhà đất đối với cấp huyện quản lý đã được tỉnh phê duyệt phương án bán đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất. Các địa phương đã xác định, các công trình đó không có nhu cầu sử dụng. Họ phải xác định rõ, nguồn thu từ đấu giá các cơ sở nhà đất đó sẽ sử dụng vào múc đích gì. Ví dụ tái đầu tư lại các thiết chế văn hóa như công viên, trường học, đường… phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương đó”./.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/hoang-phe-nha-cong-san-o-quang-tri-post1006675.vov