Hoàng Phủ Ngọc Tường 'mới thôi đã một đời người'

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 86, lặng lẽ như câu thơ ông từng viết Thời gian sao mà xuẩn ngốc/ Mới thôi đã một đời người

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi ngày 24-7, đúng 18 ngày sau khi người vợ của ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vĩnh biệt nhân gian ở tuổi 74. Giờ đây, ông bà lại hội ngộ chốn xa thẳm nào đó.

Những trang bút ký tài hoa

Dù biết đôi phu thê lừng danh này đã đau yếu từ lâu, giới mộ điệu vẫn cảm thấy xao xác nhớ những lời thơ của ông năm nào: "Hai cánh chim bay về/ Một tinh cầu đã tắt/ Hai ánh sao sa mạc/ Tan thành một cơn mưa/ Trên tài hoa nhầu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/ Mưa in dấu vô thường".

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh ngày 9-9-1937 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông từng giảng dạy ở Trường Quốc học Huế từ năm 1960 đến năm 1966, rồi thoát ly theo kháng chiến.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường .Ảnh: TƯ LIỆU

Nhắc đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhắc đến một văn tài viết bút ký điêu luyện hàng đầu trong làng văn Việt Nam. Từ cuốn sách đầu tiên "Những ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu" in năm 1971 đến cuốn sách sau cùng "Miền cỏ thơm" in năm 2007, ông có hơn chục tập bút ký được công chúng và đồng nghiệp yêu thích.

Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ phô diễn chữ nghĩa bay bổng mà còn hiển lộ tầm vóc một tác giả có vốn kiến thức sâu rộng. Đọc bút ký của ông, độc giả được chìm đắm vào những miền hoài niệm, những nỗi ưu tư, những niềm thao thức.

Một người yêu Huế tận cùng

Đặc biệt, những trang viết về Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn đầy ắp hình ảnh sinh động và suy tưởng bâng khuâng: "Tuy gọi là một kinh kỳ thơ mộng, nhưng trung tâm Huế thực sự là đất của triều đình vua Nguyễn, của những dòng dõi danh gia thế phiệt nối đời làm quan, tư tưởng chính thống của Huế là tư tưởng Nho giáo. Phía Tây Nam Huế là tư tưởng Thiền với những ngôi chùa cổ chiếm lĩnh những đỉnh núi cao. Bốn vùng ngoại ô Huế bao gồm vùng Gia Hội, dành cho thương nhân; khu Kim Long có các phủ đệ của những vị ngoại thích; khu Nguyệt Biều dành cho vườn nhà của những vị đường quan. Vậy chỉ còn Vĩ Dạ là nơi các văn nhân của mọi thời, những người theo tư tưởng tự do thích ở".

Có lẽ, phải chờ đợi rất lâu nữa, làng văn Việt Nam mới có được tác giả đủ sức tiếp nối nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trên hành trình đánh thức phong vị cố đô. Ngoài bút ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một giọng thơ trữ tình đáng nhớ. Ông chỉ in 2 tập thơ, "Những dấu chân qua thành phố" vào năm 1976 và "Người hái phù dung" vào năm 1992, nhưng biên độ thẩm mỹ thi ca của ông lan tỏa đến nhiều thế hệ trân trọng thi ca.

Ông tự họa mình bằng thơ: "Vẽ tôi một nửa mặt người/ Nửa kia mê muội của thời hoang sơ/ Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ/ Bàn tay em vỗ bên bờ hư không/ Vẽ tôi một đóa bông hồng/ Tàn phai từ bữa em cầm trên tay/ Vẽ tôi một nét môi cười/ Một dòng nước mắt một đời phù du".

Tác phẩm thách thức sự lãng quên

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa đủ mềm mại để người ta lưu luyến và vừa đủ triết lý để người ta suy ngẫm. Ông có một "địa chỉ buồn" bên dòng sông Hương gắn bó máu thịt: "Những chiều Bến Ngự giăng mưa/ Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi/ Tôi ra mở cửa đón người/ Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang". Và cũng nhờ thơ, công chúng hiểu thêm về ông qua những khoảnh khắc ngậm ngùi: "Có buổi nào như chiều nay/ Căn phòng anh bóng tối dâng đầy/ Anh lặng thầm như là cái bóng/ Hoa tàn một mình mà em không hay".

Trong thể loại bút ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phóng khoáng và tung tẩy ngòi bút. Còn trong thể loại thơ, ông lại trầm tư và xao xác: "Tài hoa cũng chuyện đùa chơi/ Làm sao thưa hết một lời yêu thương/ Anh đi tìm khắp thiên đường/ Chỉ còn một đóa vô thường gởi em". Không cầu kỳ và không diễn giải, thơ ông cấu tứ chặt chẽ và luôn gợi mở những khung trời xa vắng mệnh kiếp mong manh: "Thưa rằng người đã quên tôi/ Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may/ Một đường hang, một dấu giầy/ Một người ngồi, một tháng ngày bóng nghiêng".

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn nữa nhưng tác phẩm của ông vẫn có giá trị thách thức sự lãng quên.

"Vĩnh biệt ông, chỉ để tiễn đưa ông đi hái phù dung ở cõi khác: “Thôi em, cảm tạ chờ mong/ Ngày anh đi hái phù dung chưa về”.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/hoang-phu-ngoc-tuong-moi-thoi-da-mot-doi-nguoi-20230725214046427.htm