Hoang sơ cung đường vùng Đông Bắc

Một cung đường với độ cao từ 1.000-1.500m so với mực nước biển quả thực là một trải nghiệm thú vị đối với nhiều người.

Cung đường Đông Bắc.

Cung đường Đông Bắc.

Bình Liêu là một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có độ cao từ 1.000-1.500m so với mực nước biển. Đến Bình Liêu, du khách sẽ được chiêm ngắm phong cảnh biên cương với rừng núi xanh ngắt, trùng điệp nối tiếp nhau tưởng như không dứt. Với độ dài khoảng 20km men theo sườn núi phía Tây, huyện Bình Liêu thường vẫn được gọi là cung đường tuần tra biên giới.

Vào những ngày nắng đẹp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đỉnh núi Quảng Nam Châu cao 1.507m (so với mực nước biển), được xem là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh.

Cung đường Đông Bắc nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Mùa xuân, Bình Liêu được tô thắm bởi những cánh hoa rừng. Ở đây, có loài hoa Sở, là loại hoa đặc trưng của thiên nhiên Bình Liêu.

Ruộng bậc thang ở Cao Thắng xã Lục Hồn.

Huyện vùng cao Bình Liêu còn mang những vẻ đẹp tự nhiên lẫn nhân tạo hết sức ấn tượng. Đi theo những cung đường từ trung tâm huyện lên các xã vùng cao, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc.

Biển mây bồng bềnh trên miền núi rừng xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Khác với ruộng bậc thang Tây Bắc hùng vỹ có độ dốc lớn, ruộng bậc thang của người Tày, Dao Thanh Phán ở Bình Liêu lại thoai thoải, lượn sóng mềm mại. Ruộng bậc thang tập trung nhiều nhất ở xã Lục Hồn, Hoành Mô, và Đồng Văn.

Một phụ nữ Dao Thanh Phán với mũ hoa văn đội cao trên đầu đang ngồi chơi với con.

Bình Liêu cũng có nhiều suối, thác có phong cảnh đẹp. Thác Khe Tiền, xã Đồng Văn vẫn được mọi người bình chọn là đẹp nhất vùng. Bên cạnh đó còn có thác Khe Vằn, thác Sú Cáu, thác Soong Móc với vẻ đẹp hoang sơ.

Cung đường biên giới đoạn qua quả đồi có cột mốc số 1300.

Cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên, Bình Liêu còn có nhiều nét văn hóa độc đáo, đa dạng. Nơi đây tập trung nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như người Tày, Hoa, Dao, Sán Chỉ,...

Hoa sở mang vẻ đẹp đặc trưng của mảnh đất Bình Liêu.

Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Phán (một nhánh của dân tộc Dao) với màu sắc sặc sỡ, lộng lẫy đã trở thành một nét văn hóa thu hút du khách.

Một màu xanh ngút ngàn của núi rừng và mây trời.

Chợ phiên cũng là một nét đặc trưng trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu. Chợ phiên ở Thị trấn Bình Liêu và xã Đồng Văn họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Nhiều hàng hóa nông sản hàng hóa từ bó củi, cây thuốc nam cho đến quả chuối, quả đào đều được người dân mang ra chợ bán.

Chợ phiên Bình Liêu, nơi bán những sản vật của địa phương.

Hấp dẫn nhất là phiên chợ mang tên “ngày kiêng gió”. Đây là nét truyền thống bao đời nay của dân tộc Dao Thanh Phán. Phiên chợ được họp vào hôm 4.4 âm lịch. Hôm ấy, người Dao kiêng kị không đi làm nương, làm rẫy, đi rừng… Họ nghỉ ngơi, tụ tập tại chợ phiên để gặp gỡ, giao lưu với nhau, ăn uống rồi hát làn điệu Sán cố truyền thống của đồng bào mình.

Nguyễn Thị Hường

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/di/hoang-so-cung-duong-vung-dong-bac-596473.ldo