Hoàng Su Phì và mùa vàng gây thương nhớ

Hoàng Su Phì những ngày này, ruộng bậc thang dài ngút ngàn trên các sườn núi đang vào mùa gặt, uốn lượn phủ một màu vàng gây thương nhớ cho bao lữ khách.

Kỳ vĩ ruộng bậc thang

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Nằm trên thượng nguồn sông Chảy, nơi đây địa hình chia cắt mạnh, núi cao, thung sâu, nhiều khe suối, rừng nguyên sinh…, tạo nên khung cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ. Ở đó có cả những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở thách thức các phượt thủ.

Ruộng bậc thang có ở hầu hết khắp các xã trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, nhưng tập trung nhiều và đẹp nhất phải kể đến các xã: Bản Luốc, Bản Phùng, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ. Trong đó, bản Phùng đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng.

 Ruộng bậc thang tại Bản Phùng, Hoàng Su Phì mùa lúa chín. Ảnh: Phạm Hùng

Ruộng bậc thang tại Bản Phùng, Hoàng Su Phì mùa lúa chín. Ảnh: Phạm Hùng

Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang, bạn phải men theo một con đèo nhỏ dài gần 30km vắt ngang núi mới đến được trung tâm xã. Thôn Na Léng là điểm ngắm cảnh độc đáo nhất Bản Phùng. Ngay khi chạm chân tới đây, khung cảnh núi non kỳ vĩ, nên thơ mở ra. Thấp thoáng những mái nhà của người La Chí điểm xuyết giữa những tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang ẩn hiện trong mây núi thật yên bình nhưng không kém phần ảo diệu.

Trong khi đó, xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ có địa hình là núi đất và độ dốc vừa phải, nơi đây đâu đâu cũng có ruộng bậc thang của người Dao áo dài và người Nùng theo hình lượn sóng và cánh cung. Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu của người dân tộc Dao đỏ thì mênh mông, cao ngút tầm mắt với những ngọn đồi làm ruộng có độ rộng lớn, đều và ít dốc.

Thông Nguyên cũng là một trong những địa điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Hoàng Su Phì, đoạn đẹp nhất nằm khoảng km24 đường từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì. Cùng nằm trên km24 đường Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang Nậm Ty của người Dao đỏ là một trong các điểm được công nhận là Di tích quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.

Bên cạnh những độc đáo về cảnh sắc thiên nhiên, Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số đã định cư lâu đời ở đây, trong đó người Nùng, Dao, Mông, La Chí chiếm đa số. Ở Bản Phùng, người La Chí chiếm 96% dân số và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó độc đáo nhất phải kể đến lễ cúng Hoàng Vần Thùng và tết Khu Cù Tê. Nếu đến đúng dịp, bạn có thể hòa mình trải nghiệm những lễ thức độc đáo của đồng bào nơi đây.

Ẩm thực núi rừng độc đáo

Đến miền Cao nguyên đá, bạn nhớ đừng bỏ qua bánh cuốn trứng. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi trước nồi tráng bánh khói bay nghi ngút, đợi “đầu bếp” đổ muôi bột vào xoa xoa, chờ cho chín tới rồi đập thêm quả trứng gà, lại xoa xoa; sau đó thêm nhân mộc nhĩ, thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Khi ăn với nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành, mùi, chẳng cần phải thêm chả, chỉ nêm một chút tiêu, ớt, dấm chua cũng đã đủ ngây ngất.

Dù không phải chính vụ nhưng bạn vẫn có thể được thưởng thức quẹ (những món được làm từ rêu suối). Từ những mảng rêu đá tầm thường bên bờ suối, người dân đem vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó xé tơi, trộn với các loại gia vị rồi đem nướng. Hoặc phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Hương vị của rêu khô gác bếp sẽ khiến bạn nhớ mãi.

Bổ dưỡng và “cá tính” không kém là món cháo ấu tẩu (cháo đắng). Đêm mùa Đông lạnh, lang thang ở thành phố Hà Giang thưởng thức cháo ấu tẩu ngay bên bếp lửa hồng, thấy cuộc sống ấm áp vô cùng.

Lệ Thúy

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoang-su-phi-va-mua-vang-gay-thuong-nho-354101.html