Hoành Bồ: Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, là những 'bảo tàng sống' lưu giữ những giá vị văn hóa cốt lõi của các dân tộc, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hoành Bồ còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vườn thanh long của ông Đặng Văn Thương (thôn 2, xã Bằng Cả) hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ.

Vườn thanh long của ông Đặng Văn Thương (thôn 2, xã Bằng Cả) hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ.

Gặp Nghệ nhân Ưu tú Đặng Văn Thương (thôn 2, xã Bằng Cả), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao Thanh Y của huyện Hoành Bồ, tại vườn thanh long của gia đình, nghe ông hướng dẫn con dâu út cách chọn những quả chín đúng tầm, chúng tôi mới thấy được tâm huyết mà ông dành cho khu vườn của mình.

7 năm trước, xã Bằng Cả có 3 gia đình được hỗ trợ giống thanh long ruột đỏ để phát triển kinh tế; nhưng đến nay, chỉ có vườn thanh long của ông Đặng Văn Thương là chăm sóc cây phát triển đúng cách, cho ra trái to, đạt tiêu chuẩn. Mặc dù vườn chỉ có hơn 100 gốc thanh long, nhưng từng cây được ông và các con, cháu chăm bón cẩn thận, theo hướng hữu cơ, không lệ thuộc vào các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Ông Thương cho biết: “Loại cây nào cũng thế, nếu dùng phân hóa học thì cây sẽ cho quả nhiều hơn, to hơn, năng suất hơn, nhưng tôi vẫn dặn các con cháu, giờ môi trường đã ô nhiễm lắm rồi, sức khỏe con người đã bị đe dọa nhiều lắm, nên hạn chế được chút nào hay chút ấy. Vì thế, vườn thanh long nhà tôi chủ yếu dùng phân hữu cơ tự ủ, mặc dù cho ra quả ít, không to, nhưng về độ ngọt sắc thì chẳng thua kém bất cứ vườn nào”.

Mỗi năm, hơn 100 gốc thanh long của gia đình cho thu hoạch 7-8 đợt, 4-5 tạ/đợt, thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Đặng Văn Thương còn quan tâm phát triển kinh tế của địa phương. Ông hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình kinh tế, chăm sóc vật nuôi, cây trồng gắn với việc gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.

Cũng như ông Đặng Văn Thương, ông Dương Dung Minh (thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán huyện Hoành Bồ, bảo vệ quan điểm phát triển kinh tế phải tôn trọng môi trường tự nhiên.

Ông Dương Dung Minh (thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân) kiểm tra tổ ong.

Từ hơn 10 tuổi, ông Minh đã có duyên với đàn ong. Ông lên rừng bắt từng đàn ong về nhà, tự xây chuồng để ong tiếp tục làm tổ. Đàn ong cứ thế tự kiếm ăn, tự sinh sôi nảy nở, tự bỏ đi, có khi vài tháng ông mới kiểm tra tổ một lần... Giữa trưa nắng, ông dẫn chúng tôi ra xem một tổ ong đã lâu ngày chưa mở, nhấc khay lên chỉ có vài con ong bay lên, thì ra đàn ong đã bỏ đi tự lúc nào. Ông cười nói: “Khi đàn ong nhận thấy không còn phù hợp thì chúng sẽ bỏ đi, chuyện này là hết sức bình thường...”. 70 năm nay, ông vẫn nuôi ong theo cách ấy, “Để chúng luôn cảm thấy như mình đang sống ở giữa rừng, để chúng cảm thấy thoải mái”- Ông Minh chia sẻ.

Mặc dù có đến 30-40 đàn ong, nhưng ông Minh không quay mật bằng máy như những hộ nuôi ong khác, bởi ông quan niệm “cho sáp ong vào hũ để mật tự chảy ra, khi cần thì dùng dụng cụ ép tay rồi lọc lại, có như thế mật mới thực sự là nguyên chất”. Vì thế, lượng mật thu được của nhà ông “không hề dư dả”, nhưng được nhiều người từ xa đến tận nơi mua, để nghe ông giới thiệu về đàn ong rừng được nuôi theo cách đặc biệt.

Sáp ong rừng được nuôi theo cách tự nhiên của ông Dương Dung Minh có màu vàng óng.

Mật ong nhà ông luôn sánh hơn, màu nâu cánh dán đẹp mắt, càng để lâu càng ngon, không hề bị đọng đường như một số loại mật khác. Ông Minh nói: “Cũng là mật ong rừng, nhưng không nên chọn những chai màu quá thẫm, vì đó là mật được lấy từ hoa keo, về độ dinh dưỡng sẽ không bằng các loại hoa rừng khác”. Hằng ngày, ngoài việc ngắm đàn ong bay đi tìm mật, động viên con cháu làm ăn, ông Minh còn đến từng nhà dân nói những câu chuyện gần gũi về văn hóa, đời sống, pháp luật, góp phần rất lớn trong việc định hướng tư tưởng và hành động của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán nơi đây.

Ông Trịnh Hồng Quyết, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Hoành Bồ, cho biết: Gần dân, bám dân, hiểu dân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện đã có đóng góp quan trọng ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là nguồn nhân lực vô cùng quý giá, cần được chăm lo bồi dưỡng và phát huy trên các lĩnh vực

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/hoanh-bo-nguoi-co-uy-tin-tieu-bieu-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2454719/