Hoành Bồ - Sức bật từ 'tam nông'

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) 'Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn' (Nghị quyết 'tam nông') với nhiều giải pháp cụ thể, huyện Hoành Bồ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi cơ bản được hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được nâng lên.

Người dân tại thôn Đồng Chùa, xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Với diện tích tự nhiên 844,6km2, trong đó có 3/4 diện tích là đồi núi, toàn huyện có 13 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao. Để phát huy thế mạnh địa phương, huyện tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để làm cơ sở cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa...

Đồng chí Tô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, cho biết: Bên cạnh những lợi thế nổi trội, trong quá trình thực hiện Nghị quyết “tam nông”, địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Đó là: Diện tích tự nhiên tuy rộng nhưng chủ yếu là rừng, núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số khoảng 36,7% với nhiều phong tục lạc hậu, không ít người còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước... Do vậy, để đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân phải dành nhiều nguồn vốn, trong khi kinh phí của địa phương còn hạn hẹp...

Cán bộ xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, kiểm tra mô hình trồng trà hoa vàng tại thôn Đồng Trà.

Bên cạnh nguồn vốn phân bổ của tỉnh từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án 196 và các chương trình mục tiêu khác, huyện còn khai thác các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Từ năm 2016 đến nay, huyện huy động được trên 2.347 tỷ đồng đầu tư cho phát triển, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ. Đến nay, toàn huyện đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 16 công trình nước sinh hoạt tập trung; nâng cấp, sửa chữa 4 hồ chứa nước, kiên cố hóa 73,1km kênh mương, nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa từ 31,8% (năm 2011) lên 73,5% (năm 2019); nâng cấp, làm mới 84,4km đường trục xã, 249,2km đường giao thông thôn, xóm, đường nội đồng, góp phần nâng tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa từ 13,1% (năm 2011) lên 84,2% như hiện nay...

Cùng với đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung và triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn. Trong giai đoạn 2011-2019, huyện đã dành trên 85,3 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP. Hiện tại, trên địa bàn đã và đang triển khai 131 dự án, phương án phát triển sản xuất với 309 tổ chức, cá nhân tham gia. Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với nhiều loại sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như: Vùng trồng hoa, ổi, dược liệu, mía tím, chăn nuôi gà... Đến nay, địa phương đã có 43 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với 14 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên...

Trang trại nuôi gà của hộ chị Phạm Thị Hồng, thôn Đồng Cháy, xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những cách làm cụ thể của Hoành Bồ trong triển khai Nghị quyết “tam nông”, thu nhập của người dân địa phương ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân là 11,2 triệu đồng/người/năm, thì nay là 42,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 6,5% (năm 2011), đến nay còn 1,0%. Trên 90% số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên... Người dân tích cực thi đua lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201910/hoanh-bo-suc-bat-tu-tam-nong-2456465/