Hoành Mô, 'một đồn bốn phòng'

Dù đã nhiều lần cất công vào tận những bản nhỏ heo hút vùng phên giậu Đông Bắc Tổ quốc, tôi vẫn không sao uống được thứ rượu ngầy ngậy hâm nóng pha với nước ninh xương bò của người Dao, sau một lần được nếm. Mặc dù nếp ăn ở của những tộc người thiểu số ở đây có huyền bí đến đâu chăng nữa cũng đều sinh ra từ sự nghèo khó, truyền đời trong những căn bếp không vách ngăn, cáu bẩn và phủ dày bồ hóng. Cũng chính những ngày ở đây, tôi được nghe người dân nói chuyện BĐBP từng vận động phụ nữ người Dao giữ vệ sinh.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô thường xuyên gần gũi, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: TTH

Với 43,168km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc qua 6 xã biên giới Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô và Đồng Văn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (BĐBP Quảng Ninh) là một trong những đơn vị phụ trách địa bàn rộng lớn, nhiều xã và đông dân cư, nhiều thành phần dân tộc nhất tuyến biên giới cả nước. Chỉ riêng cán bộ chính trị, mỗi tháng vài phiên họp, giao ban với cán bộ xã, thì cứ xoay vòng lần lượt 6 xã cũng đã kín cả lịch công tác tháng.

“Một đồn - bốn phòng” là “danh hiệu” gắn với Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, bởi ngoài nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, lại phải gánh vác gần đủ các chức năng như ở UBND huyện, như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, tổ chức đoàn thể... Lĩnh vực nào của đời sống chính trị xã hội cũng có màu áo BĐBP đi tiên phong, đồng hành với địa phương.

Tôi đi qua một khúc quanh biên giới thuộc xã Đồng Văn, nhìn qua nước bạn thấy phụ nữ Trung Quốc đi xe đạp, mặc váy đầm xẻ cao rất thời thượng. Cũng là dân biên giới nghèo, nhưng họ thong dong nhàn nhã hơn phụ nữ Dao ở Bình Liêu. Ở Bình Liêu, phụ nữ Dao thuộc 2 ngành Dao Thanh Y, Thanh Phán là cộng đồng giàu bản sắc văn hóa, còn giữ nếp sống gắn với đặc trưng cư trú vùng sâu, vùng xa, bên trong những khu rừng già. Để vào bản, cán bộ Biên phòng ở Bình Liêu chỉ đi thôi cũng phải mất cả ngày đường, mà từng phải đến tận nhà để tuyên truyền chỉ dẫn cách ăn ở vệ sinh.

Ở đây, người Dao và người Sán Chỉ nuôi súc vật ở ngay cạnh nhà. Người Tày ở nhà sàn thì nhốt gà với trâu, lợn chung ở dưới sàn. Chúng tôi đến nhà một phụ nữ Dao đang ngồi bên cửa thêu một chiếc thắt lưng hoa. Bước qua bậc cửa mòn vẹt, trong nhà tối om, vài chiếc phản gỗ kê gối lên những bao phân hóa học và những thùng dầu hỏa để làm giường ngủ. Chị Chìu Xám Múi - chủ nhà nói, nhà chị bán hàng tạp hóa phục vụ dân bản gồm dầu, phân bón, thuốc lá, chỉ thêu, bánh, kẹo..., cho nên cứ tiện đâu để đó, không biết để cạnh giường ngủ, dầu, phân hóa học là có hại cho sức khỏe. Cán bộ Biên phòng đi cùng tôi kiên nhẫn giải thích, còn đi kèm với vài câu hỏi thăm bà con họ hàng của họ, ruộng nương canh tác mùa này. Các anh nói đã không đi thì thôi, cứ đi vào thôn bản thì những câu chuyện để trao đổi, vận động có nói mãi cũng không hết, dù chỉ là chuyện sinh hoạt ăn ở hằng ngày.

Bình Liêu là đất của cây hồi, nhà Chìu Xám Múi cũng có hồi, nhưng ít lắm. 26 tuổi, bằng tuổi chồng mình, chị đã có 2 con, một đứa 10 tuổi đi học, một đứa 5 tuổi đi mẫu giáo. Chìu Xám Múi bảo: “Cán bộ Biên phòng có nói mấy lần là đẻ ít thôi không thì nghèo đói, trẻ con người lớn đều khổ”.

Tôi hỏi Chìu Xám Múi về chuyện BĐBP từng phải cùng với Hội Phụ nữ vận động chị em người Dao phải mặc đồ lót để phòng bệnh, giữ vệ sinh, Chìu Xám Múi bảo: “Trước thấy người già có mặc quần áo lót đâu, đi rừng đi nương chỉ mặc áo dài của người Dao mình. Đến ngày của phụ nữ thì lọc tro bếp gói vào mảnh vải cũ rồi buộc vào. Còn lúc đẻ thì bẻ lá thuốc nam để tắm, 3 ngày là lại đi rừng được rồi”. “Thế còn bây giờ thì sao?”. Chìu Xám Múi cười, khoe mấy chiếc răng cửa bọc kim loại vàng bóng: “Bây giờ thì phải mặc rồi. Đến ngày thì dùng xô màn của các chị dưới xuôi cho”. Chìu Xám Múi bảo: “Phòng bệnh là hơn. Mấy chị gái ở làng bên bị bệnh phụ nữ, phải đi Hà Nội chữa, tốn kém lắm!”.

Đó là hậu quả của một thời kỳ dài phụ nữ đẻ nhiều, trung bình mỗi người đẻ từ 3 tới 4 đứa con, người nào đẻ nhiều thì 6 đến 7 đứa, nhưng đa số là vừa nhổm lớn đã lấy chồng. Sức khỏe sinh sản là một từ ngữ rất xa lạ với họ, xa lạ từ cách nghĩ cho đến cách sống. Kể cả thói quen không thể hiện tình cảm, cười và im lặng để thay lời nói, nên phụ nữ cũng không biết truyền đạt những kinh nghiệm giữ vệ sinh cho nhau. Trong nhà, dù nhiều hay ít phụ nữ, thì quần áo bẩn và sạch vẫn đắp đống lên nhau, những tờ báo cũ dán tường ố vàng vì khói bếp bong ra cũng không dán lại. Tuyên truyền về nếp sống vệ sinh cho phụ nữ dân tộc thiểu số có lẽ là việc làm khó khăn hơn cả và phải rất kiên trì đến 10 năm, 20 năm. Vậy mà cán bộ Biên phòng ở đây đã làm được.

Cán bộ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô từng vận động các hộ kinh doanh ở chợ Móng Cái ủng hộ đồ lót gửi tặng chị em người dân tộc thiểu số ở Bình Liêu. Kết quả, nhiều bao hàng đồ lót được gửi đến địa chỉ Hội Phụ nữ các xã ở Bình Liêu để phân chia cho chị em. Có người nhận quà rồi, mang cất đi, chưa quen dùng. Thế là cán bộ BĐBP lại cần có thời gian tuyên truyền thêm nữa, để một thói quen sinh hoạt mới được hình thành và được duy trì, đi vào nề nếp trong đời sống của đồng bào.

Không biết những phụ nữ Dao khác có nhận những gói quà toàn đồ lót rồi cất vào một chỗ hay không, còn Chìu Xám Múi thì đã chắc chắn quen với nếp sinh hoạt mới này - chị nói.

Việc vận động phụ nữ Dao mặc đồ lót cũng xuất phát từ sự gần dân, phát hiện ra nếp sống nằm ngoài những điều tối thiểu là giữ vệ sinh, nhất là với phụ nữ, của cán bộ Biên phòng. Càng ở những bản sâu, phụ nữ càng không bao giờ đi ra ngoài. Họ chỉ đi nương, đi rừng. Đến ngày phụ nữ thì gói tro bếp hoặc cát mịn vào vải cũ để dùng. Có người để vậy rồi dầm mình dưới suối sì sụp, lúc nào quần áo cũng ẩm ướt, bị bệnh thì giấu giếm rồi chịu đựng cả đời, có khi chết vì băng huyết mà không biết.

Nhiều thế hệ cán bộ quân y của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô 20 năm qua vẫn còn nhớ việc đi tận nhà, chỉ bảo tận tụy việc giữ vệ sinh nơi ở, phòng ngủ cho đồng bào. Nói một ngày không hiểu thì hai ngày, cứ gặp lại nói. Về sau, anh em rút ra được một mẹo rất hiệu quả là nói với chồng, rồi chồng nói lại với vợ. Phụ nữ Dao nghe chồng một phép. Thuyết phục được người chồng khuyên vợ coi như thành công. Từ chỗ phụ nữ nhìn thấy quân y vào bản là cười rồi chạy biến đi, đến chỗ hiểu được việc vệ sinh cá nhân là cả một quá trình.

Những việc nhỏ, rất cụ thể, nhưng liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng và còn thể hiện sự chăm lo, bảo vệ với “phái yếu” - những phụ nữ biên cương, của BĐBP. Hình ảnh của BĐBP ở đây vì thế cũng trở nên mạnh mẽ, chứa đựng vòng tay chở che vun đắp, từ những sinh hoạt đời thường của bà con cho đến xây dựng thế trận lòng dân vững vàng nơi biên cương Tổ quốc.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoanh-mo-mot-don-bon-phong/