Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố: Trông chờ sự đổi mới

Gần 13 năm qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố đã mang đến những điểm sinh hoạt văn hóa đối với người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Thế nhưng, đứng trước yêu cầu mới, đòi hỏi hoạt động này phải có sự thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và lôi cuốn khán giả cùng hòa mình vào chương trình.

Thiếu “chất” đường phố

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong suốt gần 13 năm qua, bởi nhờ đó, trên địa bàn TP. Nha Trang có những địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng về ban đêm để người dân, du khách đến giải trí. Hoạt động này cũng góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh nói riêng và của dân tộc nói chung đến bạn bè quốc tế…

Biểu diễn nghệ thuật đường phố ở khu vực Công viên Phù Đổng.

Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài, hoạt động này thay vì ngày càng có sự lan tỏa mạnh mẽ, sức sống bền chặt với cộng đồng thì đang bộc lộ những bất cập. Tuy được gọi là hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố nhưng thực chất đây là những đêm diễn do các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh hoặc do thành viên các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện. Hầu hết các đêm diễn đều na ná nhau, thiếu sự sinh động, đa dạng, tính ngẫu hứng và nhất là sự tương tác với khán giả. Trong khi đó, đây lại là những yếu tố để làm nên “chất” của nghệ thuật đường phố.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận: “Lâu nay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, trong đó có các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, bài chòi đã được tổ chức thường xuyên. Thế nhưng, Sở Du lịch vẫn chưa thấy đây là một sản phẩm văn hóa phục vụ du khách. Chúng ta vẫn thiếu sự đầu tư bài bản để khi nhắc đến nghệ thuật tuồng, bài chòi là du khách nhớ ngay đến Nha Trang - Khánh Hòa. Để có thêm một hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch cần có một địa điểm biểu diễn bài bản. Trò chơi hô hát bài chòi cũng chưa hấp dẫn du khách nước ngoài bởi thiếu sự giới thiệu bằng ngôn ngữ khác, quy mô, cách thức tổ chức cần được nghiên cứu lại”.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố chủ yếu diễn ra trên địa bàn Nha Trang nên địa phương hoàn toàn ủng hộ và có sự phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan. Tuy nhiên, để hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố thực sự đạt được những hiệu quả như mong muốn, nhất là đối với khách du lịch, cần có sự giới thiệu bài bản với những cách thức đa dạng, từ tờ gấp đến quét mã QR và bằng nhiều ngôn ngữ, bởi du khách có biết được nghệ thuật tuồng, bài chòi như thế nào thì mới hiểu khi xem biểu diễn. Đối với các loại hình ca nhạc, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, cần huy động nhiều đối tượng tham gia, các câu lạc bộ, nhóm biểu diễn nghệ thuật trong toàn tỉnh về biểu diễn. Nếu làm được vậy, TP. Nha Trang và Sở Văn hóa và Thể thao cùng phối hợp để bố trí các không gian phù hợp với từng loại hình nghệ thuật; rà soát lại các nhóm nhạc, câu lạc bộ nghệ thuật có thể tham gia hoạt động này.

Tìm hướng đi mới

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao đã có báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh về dự thảo kế hoạch “Nâng cao công tác tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của tỉnh Khánh Hòa”. Hoạt động này nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh; định hướng, nâng cấp những chương trình đã được tổ chức định kỳ; lựa chọn, đề xuất giải pháp xây dựng một số lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tính tiêu biểu, khác biệt nhằm tạo nên những sản phẩm sự kiện mới, đặc sắc mang thương hiệu riêng của tỉnh; kết nối với các hoạt động kinh tế đêm nhằm tạo nên những sản phẩm, sự kiện đặc sắc thu hút du khách… Cụ thể, cơ quan tham mưu đề xuất các nhóm hoạt động chính gồm: Trình diễn nghệ thuật truyền thống với các đêm diễn dân ca kịch bài chòi, tuồng cổ, tìm hiểu nghệ thuật hóa trang, trang phục, đạo cụ, vũ đạo; thực hiện trò chơi hô hát bài chòi với hình thức trình diễn trên sân khấu theo mô hình thực cảnh; biểu diễn ca nhạc đường phố với những dòng nhạc tương ứng được chọn theo chủ đề của từng đêm diễn; hoạt động thực hành nghiệp vụ, học tập theo từng chủ đề, đối tượng biểu diễn, chủ yếu là các sinh viên học tập khối ngành văn hóa, nghệ thuật.

Hoạt động hô hát bài chòi ở khu vực công viên bờ biển Nha Trang.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng được dự thảo kế hoạch và cũng có những ý tưởng riêng. Tuy nhiên, mục tiêu của UBND tỉnh mong muốn hoạt động này cần có tầm nhìn xa hơn. Nha Trang - Khánh Hòa có hoạt động du lịch phát triển, vì vậy cần xem xét những loại hình nào có thể phát triển được thì tập trung đầu tư để đi xa hơn, qua đó giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời kết nối, tương tác được với du khách. Vì vậy, nếu cần có thể xây dựng đề án để có sự nghiên cứu, đầu tư một cách sâu rộng, thiết thực, toàn diện hơn. Sở Văn hóa và Thể thao cần nghiên cứu lại để tham mưu UBND tỉnh một cách bài bản hơn”.

Trên cơ sở phân tích những vấn đề cần giải quyết, ông Đinh Văn Thiệu đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện được những nội dung chính đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố trong tình hình mới. Theo đó, cần phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống tuồng, bài chòi, nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn đá, chương trình nghệ thuật “Trăng soi dáng tháp” ở di tích Tháp Bà Ponagar. Với nhóm hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, phải liên hệ, huy động được sự tham gia biểu diễn của các nhóm nhạc, câu lạc bộ nghệ thuật, nghệ nhân, nghệ sĩ để tạo nên không khí sôi động, gần gũi, theo đúng chất đường phố nhằm mang đến niềm vui, trải nghiệm cho du khách. Muốn làm được vậy, Sở Văn hóa và Thể thao cần phối hợp với TP. Nha Trang để tìm và đề xuất những vị trí biểu diễn phù hợp và phải diễn ra liên tục các tối trong tuần…

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202402/hoat-dong-bieu-dien-nghe-thuat-duong-photrong-cho-su-doi-moi-d856be5/