Hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu suy giảm mạnh

Hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu đã suy yếu trong tháng Hai qua đã làm tăng hy vọng về việc các ngân hàng trung ương sẽ có chính sách phản ứng để ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Công nhân làm tại nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nhân làm tại nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các số liệu công bố ngày 2/3 cho thấy hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu đã suy yếu trong tháng Hai vừa qua do ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Diễn biến này đã làm tăng hy vọng về việc các ngân hàng trung ương sẽ có chính sách phản ứng để ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Số liệu thống kê mới nhất do công ty nghiên cứu thị trường Caixin và IHS Markit đưa ra cho thấy, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong ngành chế tạo của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong tháng Hai. Điều này càng nhấn mạnh tác động từ những biện pháp kiểm soát mạnh tay do Bắc Kinh tiến hành để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Thống kê của Caixin/IHS được đưa ra sau khi Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 29/2 vừa qua cũng cho biết hoạt động chế tạo của nước này đã giảm với tốc độ nhanh nhất chưa từng thấy trong tháng vừa qua, thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Nhà kinh tế Phil Smith thuộc IHS Markit cho rằng sự gián đoạn sẽ tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc và thậm chí lan sang các nền kinh tế khác trong bối cảnh dịch lây lan như hiện tại. Sau đó, những thu hẹp về cả phía cung và cầu sẽ xảy ra, rồi đà suy giảm trong hoạt động sản xuất sẽ tăng tốc trở lại.

Sự suy yếu ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giáng một đòn nặng nề vào các nhà máy trên khắp châu Á, bao gồm cả ở Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Đây là những bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của dịch bệnh đối với tăng trưởng và hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Số liệu PMI của Nhật Bản cho thấy hoạt động tại các nhà máy của nước này trong tháng Hai vừa qua đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần bốn năm, qua đó càng củng cố khả năng nền kinh tế này có thể rơi vào suy thoái.

Hoạt động tại các nhà máy của Hàn Quốc cũng giảm nhanh hơn trong tháng trước, khi số đơn hàng xuất khẩu thu hẹp ở mức nhanh nhất trong hơn sáu năm.

Trong số các nền kinh tế châu Á ít phụ thuộc hơn vào thương mại toàn cầu, Ấn Độ chứng kiến tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo trong tháng Hai giảm nhẹ từ mức cao gần 8 năm ghi nhận hồi tháng Một. Trong khi đó, hoạt động chế tạo tại Indonesia lại phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Ở châu Âu, dù sự suy thoái của lĩnh vực chế tạo tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm bớt trong tháng Hai vừa qua, sự bùng phát của dịch COVID-19 đang bắt đầu ảnh hưởng đến đà phục hồi của lĩnh vực này tại Anh, nơi các nhà máy cho hay sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng của họ đã tăng mạnh.

Giữa bối cảnh như vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 2/3 cho biết BoJ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính.

Phát biểu của ông Kuroda được đưa ra chỉ vài ngày sau động thái tương tự của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Các thị trường đã hoan nghênh những phát biểu trên vì đây là tín hiệu các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đang tập trung phản ứng trước khủng hoảng của dịch COVID-19./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoat-dong-cua-cac-nha-may-tren-toan-cau-suy-giam-manh/626198.vnp