Hoạt động của HĐND tỉnh: Đổi mới và trăn trở

(Baonghean) - Năm 2016 - năm đầu thực hiện chương trình hoạt động khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh đã trăn trở đổi mới, sáng tạo trong từng hoạt động của mình, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm trước nhân dân và sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Bước vào nhiệm kỳ mới 2016 - 2021, HĐND tỉnh có số đại biểu tăng (gồm 91 đại biểu), và tăng cả số đại biểu chuyên trách, gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND và mỗi ban có 2 Phó Trưởng ban chuyên trách; đặc biệt thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 với trọng trách được trao cao hơn.

Đây thực sự đặt ra cho HĐND tỉnh khóa mới sự trăn trở, trong đó trách nhiệm chính là Thường trực, các Ban và Văn phòng của HĐND tỉnh - những người thay mặt HĐND tỉnh để xây dựng các chương trình, đề ra các nội dung hoạt động thật sự sát đúng, thể hiện được vai trò, trách nhiệm là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm hỏi bà con xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: P.V

Có thể nói, thông qua các chức năng, hoạt động, gồm giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tiếp xúc cử tri, tổ chức kỳ họp..., đều đã thể hiện rõ sự đổi mới của HĐND, của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh được HĐND tỉnh cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng trên nguyên tắc: Quyết định đó phải tạo ra động lực, cơ hội để thúc đẩy phát triển chung hoặc chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Bằng tinh thần đó mà hơn 40 nghị quyết liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh do HĐND tỉnh quyết nghị tại 2 kỳ họp thứ 2 và thứ 3 trong năm 2016 đều nhận được sự tán đồng cao của các đại biểu HĐND tỉnh.

Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc), chia sẻ: “Tôi thật sự tâm đắc khi ngay kỳ họp đầu tiên thực hiện quyền quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh (kỳ họp thứ 2 của nhiệm kỳ - kỳ họp thứ nhất chủ yếu làm công tác tổ chức, nhân sự của HĐND tỉnh nhiệm kỳ mới 2016 – 2021), HĐND tỉnh đã quyết định ban hành 2 nghị quyết: Một là quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; hai là quy định một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ngoài các xã nằm trong 3 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Điều này cho thấy, HĐND tỉnh đã thực sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành với người dân”.

Cũng xuất phát từ trách nhiệm vì dân mà tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh đã cho dừng không thông qua nghị quyết quy định về mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục khi việc xây dựng khung học phí chưa hợp lý giữa các vùng và khi người dân chưa đồng thuận.

Ngoài ra, nhiều vấn đề thực tiễn cũng được các đại biểu HĐND đưa ra chất vấn, thảo luận tại các kỳ họp. Đó là bất cập trong công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng các công trình, chung cư cao tầng trên địa bàn tỉnh; bất cập trong việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN); tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bội chi quỹ bảo hiểm y tế; tình trạng đuối nước ở trẻ; thiếu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, gắn với các thiết chế văn hóa - thể thao; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi; ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất; thiếu cơ chế chính sách khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật...

Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri xã Đặng Sơn.

Dõi theo hoạt động của HĐND tỉnh năm 2016 cho thấy, HĐND tỉnh đã bắt đúng mạch, điểm đúng huyệt những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra để đưa vào chương trình giám sát, khảo sát. Đơn cử giám sát tình hình mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước của Ban Kinh tế - Ngân sách; công tác hành nghề y - dược tư nhân của Ban Văn hóa - Xã hội; công tác thi đua - khen thưởng của Ban Pháp chế; việc thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh...

Thông qua giám sát, HĐND tỉnh đã có cái nhìn thấu đáo hơn những khó khăn, yếu kém, tồn tại ở từng ngành, từng địa phương, gợi mở giải pháp, cách làm vì sự phát triển của mỗi địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Đặc biệt giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã đổi mới cách giám sát xuống tận trực tiếp nơi phát sinh kiến nghị, thậm chí là gặp gỡ, trao đổi với chính các đối tượng kiến nghị (thay vì chỉ làm việc với địa phương và ngành có ý kiến kiến nghị của cử tri trước đây).

Đại biểu Trần Kim Lộc - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho biết: “Nhờ đổi mới cách giám sát mà Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận các kiến nghị của cử tri hoàn toàn có thật, từ đó đặt ra cho các cấp, các ngành cần ưu tiên, xác định rõ giải pháp, lộ trình giải quyết tận gốc rễ vấn đề”.

Bên cạnh những kết quả và những tác động tích cực, thì hoạt động của HĐND tỉnh vẫn chưa có sự bao quát, toàn diện. Nổi lên, công tác giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh để đánh giá hiệu quả trên thực tế và đề xuất sửa đổi, bổ sung còn hạn chế. Công tác đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát, thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh khóa trước chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực và các ban HĐND tỉnh. Từ thực tiễn đặt ra, đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên), kiến nghị: HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát các nghị quyết đã ban hành, nhất là các nghị quyết liên quan đến các cơ chế, chính sách, thông qua đó để soát xét, đánh giá lại chính sách nào cần, chính sách nào không để thay thế, bổ sung, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn mà thực tiễn đặt ra.

Đề cập đến hoạt động chất vấn, đại biểu Trần Văn Hường (Nam Đàn) cho rằng, bên cạnh chọn đúng, trúng nội dung để chất vấn, thì quan trọng hơn là phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; xác định rõ giải pháp cụ thể của từng ngành, tránh đùn đẩy, né tránh. Gắn với đó phải có sự theo dõi, giám sát, đôn đốc của HĐND tỉnh đối với các cấp, các ngành, đảm bảo các lời hứa tại phiên chất vấn được thực hiện một cách triệt để. Có ý kiến cho rằng: Những vấn đề nào đưa ra tại kỳ họp trước mà đến kỳ họp sau vẫn chưa giải quyết một cách thấu đáo thì cần tiếp tục đưa vào chương trình nội dung ở kỳ họp tiếp theo, từ đó để nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như của cơ quan HĐND.

Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII.

Liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri, theo ý kiến của nhiều đại biểu cần được đổi mới cả về hình thức, cách thức. Tăng cường tiếp xúc cử tri theo địa bàn khối, xóm và tiếp xúc theo ngành, lĩnh vực, theo nhóm đối tượng... Việc tiếp xúc cử tri cần quan tâm tăng cường thông tin, giải đáp cho nhân dân thấu rõ, tránh tình trạng đại biểu HĐND chỉ nghe một chiều cử tri phản ánh, kiến nghị đề xuất. Những vấn đề cử tri kiến nghị đã giải quyết rồi thì phải thông tin cho cử tri biết, vấn đề nào khó khăn chưa giải quyết được cũng phải làm cho cử tri và nhân dân rõ...

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền, để nâng cao chất lượng các hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ mới này, yếu tố cốt lõi, có ý nghĩa quyết định là ở tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân mà pháp luật đã quy định, xứng đáng vai trò người đại biểu đại diện cho những người đã bầu ra mình vào cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.

Bởi vậy, bên cạnh sự tự giác của đại biểu thì HĐND tỉnh cũng sẽ có cơ chế để giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu. Trước sự gửi gắm, mong muốn và kỳ vọng của cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị; đặc biệt là của cử tri và nhân dân, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, tạo động lực phát triển cho tỉnh và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201701/hoat-dong-cua-hdnd-tinh-doi-moi-va-tran-tro-2769922/