Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Ngày 10-4, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư đã thăm các chức sắc Công giáo, Tin lành tiêu biểu tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp Lễ Phục sinh năm 2017.

Thăm Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh Bùi Văn Ðọc; Mục sư Phan Vĩnh Cự, Hội trưởng Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam; Hiệp sĩ Ðại Thánh giá Lê Ðức Thịnh (người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Ðại Thánh giá)…, đồng chí Trương Thị Mai gửi lời chúc mừng nhân dịp Lễ Phục sinh năm 2017 đến các vị chức sắc, đồng bào Công giáo; tín hữu, tín đồ Tin lành; khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, bảo đảm các tôn giáo được tự do hoạt động theo quy định của pháp luật và tôn chỉ của các tôn giáo.

Ðồng chí Trương Thị Mai bày tỏ sự tin tưởng ở các chức sắc, bà con giáo dân, các mục sư, tín đồ luôn ủng hộ Ðảng, chính quyền, cùng đóng góp tích cực trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phát triển; cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, góp phần tạo nên những thành quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự trị an, an toàn xã hội của TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Ngày 10-4, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian tới.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đồng tình với ý kiến các bộ, địa phương và các DNNN rằng công việc này còn chậm, có dấu hiệu chững lại trong quý I-2017 về xây dựng khung khổ thể chế, sửa đổi, ban hành các nghị định liên quan của Chính phủ và cả về thủ tục hành chính. Ngay trong năm 2017 và cho tới năm 2020, Phó Thủ tướng cho rằng mục tiêu sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cần tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất hơn, trong đó CPH chỉ là một giải pháp mà cuối cùng là thu hẹp phạm vi hoạt động DNNN ở các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, các lĩnh vực tư nhân không muốn đầu tư và không có khả năng đầu tư. Những doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước giữ lại thì phải đổi mới quản trị, sao cho hoạt động "ra tấm ra món".

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước, nhất là không có tiêu cực trong thoái vốn, CPH. Khắc phục các bất cập về pháp lý của CPH để bảo đảm quá trình này diễn ra nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý DN yếu kém theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW là Nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu DN. Các địa phương, bộ, ngành cần chủ động xử lý các DN yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ. Xác định trách nhiệm trong CPH DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả, kể cả hoạt động điều hành, quản trị DN hiện nay. Ðối với các DNNN cần sắp xếp, CPH trong giai đoạn hiện nay có giá trị thị trường rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng, không cần CPH thật nhiều nhưng phải bảo đảm vốn nhà nước phải được bán, thoái tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị của DN…

Ngày 10-4, Ðoàn công tác của QH do đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch QH làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Phú Yên, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, quý I-2017.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 92% với 110,4 triệu USD và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 12.461 tỷ đồng, đạt 61,4% kế hoạch. Quý I-2017, tỉnh tập trung triển khai kế hoạch phát triển kinh tế và an sinh xã hội, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để xây dựng tỉnh thành cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy, hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; sớm nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên; thực hiện các cơ chế, chính sách vùng Tây Nguyên đối với ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Ðồng Xuân của tỉnh.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đánh giá cao lợi thế và nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên, nhất là kinh tế biển; đề nghị tỉnh cần đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, lâu dài để phát triển tiềm năng kinh tế biển có chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất và có cơ chế chính sách phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi. Trong thực hiện các dự án kinh tế, tỉnh cần lưu ý đến bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; tập trung vào phát triển nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực thế mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản…

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32570402-hoat-dong-cua-lanh-dao-%c3%b0ang-nha-nuoc.html