Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Ngày 19-8, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm việc với tỉnh Tây Ninh về kết quả thực hiện 'Năm dân vận chính quyền' 2019, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Năm 2019, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ ở Tây Ninh tiếp tục chuyển biến tích cực. Ðời sống dân cư được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,54% (số hộ nghèo và cận nghèo còn 7.609 hộ với 20.371 nhân khẩu). Toàn tỉnh có 36 trong số 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới… Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo hiệu quả.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng như công tác dân vận chính quyền. Nổi bật là việc các cấp ủy, chính quyền tăng cường các giải pháp hòa giải ở cơ sở đã góp phần làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ðồng chí yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy, đổi mới công tác dân vận; đồng thời tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về phương hướng phát triển kinh tế, đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, các đơn vị chức năng, các địa phương liên quan phối hợp giải quyết nhanh chóng các đề xuất của địa phương như: bố trí vốn đầu tư thực hiện dự án nâng cấp cửa khẩu Tân Nam thành cửa khẩu quốc tế; sớm hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Ðức Hòa; bổ sung quy hoạch đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát vào hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam... để Tây Ninh có điều kiện phát triển hơn nữa.

Chiều 19-8, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh), Công ty cổ phần Fujiwara Bình Ðịnh đã khánh thành Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Ðịnh. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu ý kiến tại buổi lễ.

Nhà máy có quy mô công suất 100 MW, gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư nhà máy điện mặt trời, công suất 50 MW; giai đoạn 2 đầu tư nhà máy điện gió, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 63,7 triệu USD. Ở giai đoạn 1, sản lượng điện dự kiến mỗi năm đạt gần 61 MW giờ, tương đương mức tiêu thụ điện của hơn 32.300 hộ dân. Ðây là dự án FDI quy mô lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, đây là dự án có tính đặc thù chuyên môn cao và đề nghị UBND tỉnh Bình Ðịnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh và triển khai giai đoạn 2 của dự án với quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư,...

Sáng 19-8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với một số bộ, ngành; lãnh đạo TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ÐTC) đang rất chậm trong thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, bảy tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn ÐTC ước đạt 134.494 tỷ đồng, chỉ đạt 31,32% so kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước, chỉ đạt 35% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp (đạt 8,6% kế hoạch năm).

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ phê bình Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) chậm tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn ÐTC, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục. Ngoài ra, với việc giao vốn chậm cho các bộ, ngành, địa phương hay doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dự án khác, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH - ÐT và vụ trưởng một số vụ chức năng của Bộ trong việc đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ KH-ÐT, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vấn đề nghiêm trọng cần phải xóa bỏ. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ÐT ngay trong tháng 8, trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35 nghìn tỷ đồng vốn chưa giao; trước ngày 30-9 trình Thủ tướng Chính phủ việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước ngày 10-10 báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ nơi có tỷ lệ giải ngân thấp sang nơi có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch ÐTC năm 2020 sát thực tế. Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng đơn vị, chủ đầu tư; chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đàm phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay. Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn ÐTC. Dự kiến ngày 15-9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.

Chiều 19-8, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng cùng đoàn công tác của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Kiên Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh thời gian qua.

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, Kiên Giang là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, có biên giới, bờ biển, cửa khẩu, có nhiều đảo, trong đó đảo Phú Quốc là địa bàn trọng yếu. Mặc dù thời gian qua, tỉnh Kiên Giang gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã nỗ lực vượt qua và lập được nhiều thành tích tốt. Kiên Giang cần nỗ lực khắc phục khó khăn và phát huy những thành tích, tiến bộ để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch lưu ý, Tỉnh ủy Kiên Giang phải lãnh đạo thật tốt công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18, số 19 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII. Trong lãnh đạo thực hiện phải đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, có chính sách, chế độ phù hợp cho cán bộ dôi dư, các cơ quan sau sắp xếp phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị... Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng lưu ý với tỉnh Kiên Giang về một số nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng trong thời gian tới, nhất là đối với địa bàn Phú Quốc.

Sáng 19-8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm và làm việc với Công an TP Hà Nội.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi thành lập đến nay, lực lượng Công an TP Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc các yêu cầu, nhiệm vụ. Những thành tích, chiến công của đơn vị đã thể hiện rất rõ nỗ lực, hy sinh, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ, giúp cho thành phố luôn là điểm đến bình yên, phát triển bền vững.

Ðồng chí yêu cầu Ðảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ động rà soát những vụ việc, nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự; tham mưu hiệu quả cho Thành ủy, UBND thành phố ban hành nhiều yêu cầu chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn. Tiếp tục xây dựng lực lượng công an ngày càng chính quy, hiện đại; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, không bị động trước bất cứ tình huống nào. Xây dựng văn hóa công vụ trên tinh thần phục vụ nhân dân. Ðồng chí nhận định, lĩnh vực đấu tranh trấn áp tội phạm ngày càng khó khăn, nguy hiểm. Do đó, Công an TP Hà Nội cần nghiên cứu đề xuất triển khai các mô hình quản lý, phòng, chống, đấu tranh tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, ma túy. Nghiên cứu các mô hình thành công để đề xuất mô hình riêng cho Hà Nội trong công tác cai nghiện ma túy. Ðồng thời quan tâm đến công tác dân vận, tạo sự đồng thuận với người dân, nắm tình hình trong nhân dân để có thêm nhiều kênh thông tin, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho Thủ đô...

Ngày 19-8, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch nước làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Thái Nguyên đạt được trong những năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng. Ðồng chí đề nghị, tỉnh cần chú trọng phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường, chủ động nắm bắt và xử lý tốt các vấn đề xã hội và an ninh; làm tốt công tác đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua để rút ra những kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng.

Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm và chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên, Trại tạm giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an). Ðồng chí mong muốn cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng ngày, đồng chí Phó Chủ tịch nước thăm và làm việc với Ðại học Thái Nguyên; thăm và tặng quà bà Trần Thị Phương (vợ liệt sĩ Ngô Văn Thỉnh) và bà Thái Thị Vĩnh (vợ liệt sĩ Nguyễn Thế Cường), Ðại đội phó Ðại đội TNXP 915 Bắc Thái; dâng hương tưởng niệm liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia TNXP Ðại đội 915, thăm Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.

Chiều 19-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cùng đoàn công tác thăm và tặng quà 100 nạn nhân chất độc da cam ở hai huyện Ðông Hòa và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Quân đội tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 3,2 triệu đồng cho 100 nạn nhân chất độc da cam. Phó Thủ tướng ân cần thăm hỏi, động viên, ghi nhận những đóng góp của các nạn nhân chất độc da cam và người thân đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chung sức xây dựng quê hương, đất nước. Phó Thủ tướng lưu ý, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân da cam và gia đình chính sách; đồng thời cảm ơn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Bưu điện Việt Nam đã cùng Chính phủ quan tâm nạn nhân chất độc da cam, kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng tiếp tục chung tay chăm lo để các nạn nhân da cam có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tối 19-8, tại Quảng trường 1-4 (TP Tuy Hòa), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức khai mạc “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5 năm 2019 tại Phú Yên” và đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam dự.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, qua năm lần tổ chức, ngày hội đã trở thành hoạt động có ý nghĩa sâu sắc; là nơi để đồng bào dân tộc Chăm ở các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cần đẩy mạnh công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên nguyên tắc vừa lưu giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của từng dân tộc anh em, vừa củng cố, nâng cao tính thống nhất, đa dạng của văn hóa Việt Nam; xây dựng những giá trị văn hóa mới, tích cực, phù hợp với sự phát triển của thời đại...

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn tặng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên.

Nhằm triển khai kế hoạch giám sát của Ðoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, chiều 19-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội UÔNG CHU LƯU, Trưởng Ðoàn giám sát, Ðoàn công tác số 01 đã nghe đại diện các cơ quan liên quan báo cáo về tình hình địa phương nơi đoàn đến giám sát, thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp làm việc, phân công công việc.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đồng chí Uông Chu Lưu đề nghị các địa phương tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu của Ðoàn giám sát, trong đó báo cáo rõ tình hình của giai đoạn 2015 - 2019, làm rõ thực trạng, nguyên nhân của xu hướng gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em những tháng đầu năm 2019. Trên cơ sở đó rút ra đánh giá nhận định, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và việc phát hiện xử lý của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bên cạnh tập trung vào một số vụ việc nổi cộm, không bỏ qua các vụ việc bình thường, để đánh giá tình hình giải quyết xử lý các vụ việc thực tế có bảo đảm khách quan, công bằng và đúng pháp luật hay không.

PV VÀ CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41271902-hoat-dong-cua-lanh-dao-%C3%B0ang-nha-nuoc.html