Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Ngày 27-8, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế về thực hiện 'Năm Dân vận chính quyền'; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại,...

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bảy tháng qua. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế; tập trung phát triển du lịch là ngành trọng tâm mũi nhọn. Ðồng thời, rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho các công trình trọng điểm; phát triển Chính quyền điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,... Toàn bộ hệ thống chính trị cần thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền; nâng cao hiệu quả tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết kịp thời khiếu nại của dân ngay khi mới phát sinh và rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài,... Ðối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của cả nước.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng cùng Ðoàn công tác đã đến thăm, tặng quà tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; thắp hương giác linh cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Tổ đình Tường Vân (TP Huế); thăm HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc); thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh và tặng quà các nạn nhân chất độc da cam tại huyện miền núi A Lưới.

* Ngày 27-8, đồng chí VƯƠNG ÐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc tại Tiền Giang; trực tiếp khảo sát dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh về số lượng, gấp bốn lần so năm 2015. Riêng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từ khi được giao về tỉnh Tiền Giang với chức năng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tích cực đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu về đích đúng thời hạn. Phó Thủ tướng lưu ý, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và nhất là chính quyền, nhân dân các tỉnh trong vùng đặc biệt quan tâm dự án này, vì thế các cơ quan, đơn vị cần giải quyết rốt ráo vướng mắc tại dự án. Ðối với khó khăn về vốn, Chính phủ cam kết hoàn thành thủ tục pháp lý để sớm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ 2.186 tỷ đồng.Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Ðèo Cả tiếp tục ứng vốn (khoảng 400 tỷ đồng) đủ mức 3.800 tỷ đồng vốn góp vào dự án trong tháng 9 tới, đồng thời thực hiện đàm phán ngay với các ngân hàng hợp đồng tín dụng để khi Thủ tướng và tỉnh Tiền Giang giao vốn thì ký hợp đồng tín dụng trong tháng 9 và đẩy mạnh triển khai dự án ngay trong tháng 9-2019. Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng các bộ, ngành T.Ư và địa phương chung tay xử lý vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án thi công nhanh, sớm về đích vào năm 2021.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cùng đoàn công tác làm việc tại tỉnh Long An về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Long An trên tất cả các lĩnh vực, đề nghị tỉnh sớm triển khai quy hoạch cấp tỉnh dài hơi hơn, tận dụng tốt hơn nữa vị trí tiếp giáp với các trung tâm phát triển kinh tế năng động của cả nước như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, hướng đến mục tiêu tự cân đối ngân sách vào năm 2021. Ðồng thời, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ; quan tâm hơn nữa công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm xây dựng nghị định về đầu tư công và tập huấn cho cán bộ địa phương thực hiện. Về nhà máy nhiệt điện than tại Long An, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo Chính phủ về việc Long An kiến nghị chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang nhà máy điện khí hóa lỏng.

* Chiều 27-8, đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Qua hơn một năm triển khai Nghị quyết số 26 gắn với thực hiện Nghị quyết số 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã triển khai nghiêm túc và đạt nhiều kết quả. Tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đến nay 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị; trong đó, 43% có trình độ sau đại học (38,34% thạc sĩ, 4,66% tiến sĩ)... Tỉnh cũng tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Vĩnh Long. Ðể triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 26 gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết 18, đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long tập trung làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất, có chủ trương cấp trên kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới và cấp dưới giám sát cấp trên. Tiếp tục nghiên cứu sắp xếp các mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ðối với những kiến nghị của tỉnh, sẽ được tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

* Sáng 27-8, tại Hà Nội, đồng chí Ðại tướng TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì Hội nghị quán triệt thực hiện Kết luận số 44-KL/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Hội nghị do Ðảng ủy Công an T.Ư tổ chức trực tuyến với 68 điểm cầu trên toàn quốc.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, đồng chí Tô Lâm khẳng định, việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện hai Kết luận số 44 và 45 của Ban Bí thư có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 09 và Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư; thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển ngày một đa dạng, phong phú, thiết thực, có hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao; qua đó góp phần động viên, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông có chuyển biến hơn; số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm dần qua từng năm, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tô Lâm quán triệt những nội dung cơ bản của Kết luận số 44 và Kết luận số 45 của Ban Bí thư, những nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới.

* Thực hiện Luật Tiếp công dân, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, sáng 27-8, đồng chí HOÀNG TRUNG HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp công dân, giải quyết ba vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm.

Ðồng chí Hoàng Trung Hải đã trực tiếp nghe từng công dân trình bày kiến nghị của mình; nghe lãnh đạo các cơ quan, địa phương liên quan báo cáo tình hình giải quyết và đề xuất hướng giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và trao đổi thẳng thắn, xem xét thấu đáo, đồng chí Hoàng Trung Hải giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, các quận liên quan giải quyết các vụ việc đúng quy định pháp luật; thống nhất tiến độ, thời hạn báo cáo kết quả giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Ðồng chí lưu ý, trong quá trình giải quyết khiếu nại, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất; chú trọng vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để bảo đảm công bằng và quyền lợi cho công dân. Sau khi giải quyết, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, trong quá trình giải quyết các vụ khiếu nại của công dân, một số cơ quan còn để xảy ra sai sót, chưa thể hiện trách nhiệm cao nhất với người dân, khiến vụ việc kéo dài nhiều năm. Ðồng chí yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát, xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

* Chiều 27-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ ÐỨC ÐAM dự Diễn đàn khoa học "Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh: Xu thế tập quán an táng của người Việt Nam không chỉ là câu chuyện xã hội mà là vấn đề lớn liên quan đến môi trường, đất đai, kinh tế, quy hoạch đô thị... Ðây là vấn đề xã hội liên quan đến tập tục, truyền thống, các chính sách kinh tế đi đôi với nghiên cứu các khía cạnh văn hóa, xã hội... Các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cần nghiên cứu, đưa ra các góc nhìn khác nhau, phân tích hiện trạng từ góc độ truyền thống và hiện đại để tìm ra những giải pháp phù hợp...

Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa - xã hội, kinh tế, môi trường, đô thị... đã bàn luận, đưa ra các ý kiến, phản biện... làm cơ sở khoa học để kiến nghị Ðảng, Nhà nước xây dựng chính sách, quy định về lĩnh vực an táng phù hợp truyền thống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, đất đai, quy hoạch đô thị... trong bối cảnh mới.

* Ngày 27-8, Ðoàn giám sát của Quốc hội (QH) do Phó Chủ tịch QH UÔNG CHU LƯU làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung, cùng đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội dự buổi làm việc.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá: Thời gian qua, Thành ủy, HÐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình hình chung ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có xu hướng gia tăng về tình trạng xâm hại trẻ em với diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Phó Chủ tịch QH đề nghị TP Hà Nội cần đánh giá, phân tích sâu hơn về việc đối tượng xâm hại trẻ em, nhất là những người thân, quen (trong gia đình, hàng xóm...). Ngoài ra, thành phố cần có giải pháp cụ thể để có "gia đình an toàn", "nhà trường an toàn", "cộng đồng an toàn", "phường, xã thân thiện"..., nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, xâm hại có thể xảy ra đối với trẻ em.

Tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch QH và các đại biểu trong Ðoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung cho biết, chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều được đưa vào các nghị quyết chung, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HÐND cuối năm. Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết và nghiên cứu nâng cấp lên thành nghị quyết riêng của HÐND về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, dù khu vực nội thành còn khó khăn về quỹ đất nhưng trong những năm qua, thành phố đã thu hồi một số trụ sở để xây trường học; phấn đấu đến cuối năm 2020, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em luôn được chú trọng. Thành phố yêu cầu tất cả các nhà cao tầng đều phải đầu tư thiết chế văn hóa cho trẻ; lắp trang thiết bị vui chơi dành cho trẻ em tại các khu tập thể, chung cư; khuyến khích đầu tư xã hội hóa các khu vui chơi cho trẻ em; mỗi điểm trường đều phải có thiết chế văn hóa cho học sinh...

* Ngày 27-8, Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN cùng ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đến thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, được Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình công nghệ phân bón hữu cơ Ong Biển.

Phát biểu ý kiến tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, đơn vị đầu tư phát triển nông sản hữu cơ, nhất là lúa gạo, phù hợp với chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; cũng như đánh giá cao công ty này đã hỗ trợ toàn bộ phân bón, giống và thu mua toàn bộ sản phẩm giá cao tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất hữu cơ bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân.

Ðồng chí Phùng Quốc Hiển gợi ý sản xuất lúa hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Ðể có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và nhà sản xuất cũng như ý thức của người dân. Vì vậy công ty cần có chiến lược phát triển bền vững để cùng nhân dân tỉnh Quảng Trị thực hiện ước mơ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sau hai năm liên kết với nông dân Quảng Trị sản xuất lúa hữu cơ theo công nghệ phân bón Ong Biển, tổng diện tích lúa hữu cơ triển khai thực hiện tại Quảng Trị gần 600 ha, được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ðây là diện tích lúa để sản xuất gạo có thương hiệu "Gạo hữu cơ Quảng Trị" của công ty.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41365502-hoat-dong-cua-lanh-dao-%C3%B0ang-nha-nuoc.html