Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Chiều 24-9, tại TP Buôn Ma Thuột, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðác Lắc về việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Tô Lâm ghi nhận và biểu dương sự nghiêm túc của Tỉnh ủy Ðác Lắc trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Tỉnh ủy Ðác Lắc đã tập trung quán triệt và triển khai đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Ðảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; những kết quả đạt được bước đầu trong công tác này đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị, Tỉnh ủy Ðác Lắc tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, tham nhũng vặt, bao che tham nhũng trong cơ quan đơn vị. Chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy nhanh việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng về kinh tế xảy ra trên địa bàn được dư luận quan tâm và tăng cường truy thu tài sản tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý sai phạm, tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng đất đai, nhất là tại các nông - lâm trường, bởi đây là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng và khi xảy ra thì số tiền tham nhũng sẽ rất lớn. Ðồng thời, tỉnh cũng cần tăng cường công tác quản lý tài chính, dòng chảy của đồng tiền nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, rửa tiền. Thực hiện nghiêm quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; kết hợp giám sát thường xuyên với tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất những nơi có nguy cơ tham nhũng cao, nơi có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng...

Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng công bố kế hoạch của đoàn sẽ làm việc với một số ban, sở, ngành, cơ quan, địa phương của tỉnh Ðác Lắc về các nội dung liên quan.

Ngày 24-9, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, khu vực kinh tế tập thể của thành phố đã góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho thành viên, phát triển thêm các hoạt động kinh tế, góp phần phát triển đời sống văn hóa và tăng cường đoàn kết cộng đồng, cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ phát triển thêm 300 hợp tác xã, 5 liên hiệp hợp tác xã, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế hợp tác đạt 7%/năm, thu hút thêm 30 nghìn lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cấp, các ngành và đơn vị liên quan cần phân tích, đánh giá lại đầy đủ hơn hoạt động kinh tế tập thể; để từ đó chung sức, chung lòng hỗ trợ cho kinh tế tập thể khởi sắc hơn nữa. Bên cạnh đó, cần nhân rộng những mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả tốt; có chiến lược, đề án hình thành các hợp tác xã mạnh, tiêu biểu ở các lĩnh vực kinh tế…

Sáng 24-9, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức chương trình gặp mặt, tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội trong ba năm từ 2017 đến 2019. Chương trình do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì tổ chức.

Ðến hết tháng 8-2019, Quỹ “Vì người nghèo” T.Ư đã tiếp nhận số tiền 48,9 tỷ đồng, trong đó có 231 đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chuyển số tiền theo đăng ký là 42,5 tỷ đồng; có hơn 300.000 tin nhắn ủng hộ người nghèo qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 là 6,3 tỷ đồng. Hiện nay, 22 đơn vị, cá nhân đang làm các thủ tục hoặc chuyển tiếp số tiền còn lại theo đăng ký số tiền là 39,4 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc huy động nguồn lực thông qua Quỹ “Vì người nghèo” T.Ư sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng khoảng 1.000 nhà Ðại đoàn kết tặng các hộ nghèo; giúp đỡ người nghèo một cách hiệu quả, giúp người nghèo có nhà ở vững chắc, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế qua đó cải thiện đời sống, tăng thu nhập, hạn chế tái nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là nhân dân ở các địa bàn khó khăn.

Theo kế hoạch, chương trình gặp mặt, tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội trong ba năm từ 2017 đến 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 1-10 tới, tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Hà Nội.

Sáng cùng ngày, đồng chí Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp cho ý kiến vào Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41676002-hoat-dong-cua-lanh-dao-%C3%B0ang-nha-nuoc.html