Hoạt động của lãnh đạo Đảng, nhà nước

Ngày 6-5, đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Ngày 6-5, đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận những kết quả của tỉnh Hòa Bình thời gian qua trong phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng Đảng. Kết thúc năm 2020, những chỉ số mà Hòa Bình đạt được đều tăng so với trước đây như: Thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng bước phát triển. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá, cho đến thời điểm hiện tại, Hòa Bình đang kiểm soát tương đối tốt, là tỉnh có kinh nghiệm và tinh thần chủ động chống dịch cao. Về công tác chuẩn bị bầu cử, đến thời điểm này, tỉnh Hòa Bình bảo đảm tiến độ theo quy định; tỷ lệ nhân sự nữ, tỷ lệ đồng bào dân tộc, tỷ lệ trẻ đáp ứng yêu cầu... Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch; chỉ đạo tốt cuộc bầu cử thành công; phát triển kinh tế gắn liền văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh...

Chiều 6-5, đồng chí ĐINH TIẾN DŨNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì cuộc làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án nếu xây dựng cao tốc đi bằng là khoảng 105 nghìn tỷ đồng, nếu xây dựng cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến là khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m là khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án; đầu tư theo hình thức hỗn hợp gồm: đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT cho toàn tuyến (bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT). Kiến nghị với Trung ương hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, nhất là để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường.

TP Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của Vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp các địa phương có tuyến đường đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến. Trong đó, các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn. Về lựa chọn nhà đầu tư, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao Hà Nội là cơ quan đầu mối chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-644923/