Hoạt động Đoàn trong trường THPT: Lấy học sinh làm trung tâm

Những năm gần đây, công tác Đoàn trong các trường THPT luôn được các cấp bộ Đoàn, ban giám hiệu các trường quan tâm và từng bước có chuyển biến tích cực.

Học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham quan các sản phẩm sáng tạo tại Ngày hội Khi tôi 18 do Tỉnh đoàn tổ chức mỗi năm một lần.

Từ định hướng chung của tổ chức Đoàn cấp trên, các trường đã chủ động đề ra các hoạt động, mô hình sáng tạo phù hợp với đặc điểm của trường, phát huy được sự chủ động, tích cực của học sinh.

* Chuyển biến tích cực

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, anh Trần Hồng Lực trở về công tác tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) và tham gia công tác Đoàn. Từng tham gia các hoạt động Đoàn nên anh Lực hiểu điều học sinh cần ở tổ chức Đoàn. Từ đó, anh đã không ngừng làm mới các hoạt động Đoàn để phù hợp hơn với nhu cầu của học sinh.

Toàn tỉnh hiện có 68 trường THPT có tổ chức Đoàn cấp trường. Ngoài bí thư Đoàn trường, cần phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi đoàn lớp, tạo nhiều cơ hội cho các em được chủ động đề xuất ý tưởng sáng tạo trong quá trình triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn lớp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn trường.

Đơn cử là hoạt động hội trại truyền thống được Đoàn trường tổ chức hằng năm. Anh Lực cho biết, thay vì mỗi lớp một tiểu trại dẫn đến thiếu sự giao lưu, kết nối thì nay 7-8 lớp một tiểu trại. Từ chỗ dựng sẵn lều trại, các lớp chỉ trang trí cổng trại thì nay học sinh tham gia trại phải tự dựng trại, trang trí cổng trại. Hay như trước đây, khi tham gia trại, học sinh tự tổ chức trò chơi thì nay từ chủ đề, thể lệ cho trước các tiểu trại sẽ xây dựng một chương trình biểu diễn mang tính tổng hợp diễn đạt đúng chủ đề. Đặc biệt, những lần hội trại trước, học sinh chỉ được xem lửa trại mô hình thì nay các em được tham gia đốt lửa trại thật…

Hay như tại Trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán), từ năm học 2015-2016 Đoàn trường đã mạnh dạn đề xuất Ban giám hiệu đổi mới tiết sinh hoạt chào cờ thông qua công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Theo đó, phần lớn thời gian của tiết chào cờ dành cho các hoạt động, trò chơi trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Sau 1 năm học, Đoàn trường đã tiến hành khảo sát và kết quả ngoài mong đợi, có gần 92% học sinh thích và rất thích tiết chào cờ.

Không chỉ đổi mới từng hoạt động mang tính “mùa vụ”, các hoạt động Đoàn hiện đã được tổ chức thường xuyên, liên tục dưới dạng mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong mỗi hoạt động.

* Cần những “thủ lĩnh” tâm huyết

Công tác Đoàn trong trường học những năm qua được đánh giá là có chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng chung. Nhiều trường đã có những phương thức triển khai đa dạng, phong phú, thể hiện được nét riêng biệt của từng đơn vị, loại hình trường và ngày càng gần với nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, sự chuyển biến nhanh và rõ nét thì mới chỉ tập trung ở một số trường nhất định; còn lại các trường khi tổ chức hoạt động vẫn chưa thu hút được sự tình nguyện tham gia của học sinh.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động Đoàn dành cho học sinh, anh Trần Hồng Lực cho rằng cần phải tổ chức các hoạt động Đoàn sau các kỳ thi, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động Đoàn một cách thoải mái nhất đồng thời có được sự đồng tình của phụ huynh. Bên cạnh đó, để học sinh hứng thú với các hoạt động Đoàn trong trường học, các hoạt động luôn phải được làm mới và phù hợp, đáp ứng đúng với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh…

Chính vì vậy, trước khi tổ chức một hoạt động nào đó mới, anh Lực đều nghiên cứu, khảo sát tâm lý, thị hiếu của học sinh thông qua nhiều kênh khác nhau, thịnh hành nhất hiện nay là trên mạng xã hội Facebook để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài học sinh - chủ thể thực hiện và thụ hưởng các hoạt động, để các hoạt động diễn ra thuận lợi cũng cần có sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường và sự vào cuộc của thầy cô giáo bộ môn khi cần thiết.

Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên, không phải ai cũng làm được những điều này mà đòi hỏi cần phải có một “thủ lĩnh” Đoàn trường năng động, tâm huyết với hoạt động Đoàn. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi tổ chức Đoàn trong trường học ở một số nơi đang thiếu vắng những cán bộ Đoàn có năng lực, tâm huyết với hoạt động Đoàn. Chưa kể, ở một số đơn vị, hoạt động Đoàn chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức từ ban giám hiệu, thầy cô giáo bộ môn, bí thư Đoàn trường luôn trong tình trạng “tự bơi”…

Chị Hồ Hồng Nguyên cũng cho biết thêm, ngoài bí thư Đoàn trường, cần phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi đoàn lớp, tạo nhiều cơ hội để các em được chủ động đề xuất ý tưởng sáng tạo trong quá trình triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn lớp để hoạt động Đoàn trường học ngày càng hiệu quả.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201811/hoat-dong-doan-trong-truong-thpt-lay-hoc-sinh-lam-trung-tam-2921784/