HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP NGÀY CÀNG KỊP THỜI, LINH HOẠT- ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TẾ CUỘC SỐNG

Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Trong những năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động lập pháp của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, phản ứng kịp thời, nhanh chóng, linh hoạt; ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống…

QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV

 Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp

Theo quy định tại Điều 69, Hiến pháp năm 2013, Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp. Công tác lập pháp được cải tiến, hoàn thiện qua từng nhiệm kỳ Quốc hội cả về số lượng và chất lượng, cũng như trên phương diện tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Từ năm 1986, Đảng và Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đã đặt ra yêu cầu sớm xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế…. Do đó, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quy chế xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, trong đó quy định về quy trình lập pháp. Quy chế đã góp phần tích cực cho việc xây dựng pháp luật trong giai đoạn này. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra còn có nhiều hạn chế, bất cập, do đó, ngày 12/11/1996 Quốc hội đã ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định khá cụ thể về quy trình lập pháp.

Tiếp đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế vào các năm 2002, 2008,2015 và năm 2020, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện cho hoạt động lập pháp. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong hoạt động lập pháp được quy định cụ thể, rõ ràng; quy trình lập pháp không ngừng được đổi mới đảm bảo chất lượng luật khi ban hành thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng.

Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, số lượng luật, bộ luật được ban hành ngày càng nhiều, như: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) đã ban hành 84 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 -2011) đã ban hành 67 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 -2016) đã ban hành 104 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 -2021) đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; các năm tiếp theo sau đó đến nay, số luật được ban hành liên tục được tăng lên, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội;….

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v… Một trong những nguyên nhân quan trọng mà hoạt động lập pháp trong những năm gần đây được tăng cường, đẩy mạnh là được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác lập pháp, đổi mới tư duy, sáng tạo trong hoạt động lập pháp ở nước ta.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động lập pháp đã có những đổi mới quan trọng thông qua việc tiếp tục đổi mới tư duy lập pháp theo hướng pháp quyền XHCN, đổi mới quy trình làm luật theo hướng ngày càng hiện đại, phát huy vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp, không ngừng nâng cao chất lượng ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Như vậy, qua các nhiệm kỳ, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống, phản ứng kịp thời, linh hoạt. Điển hình là tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, việc Quốc hội kịp thời bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất một số nội dung về cơ chế, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đây là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh đó, trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và ban hành Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 và tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch lập pháp tổng thể mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan để tiến hành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo kế hoạch với tinh thần “lập pháp chủ động”.

Việc xem xét đề nghị xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết cũng được thực hiện thận trọng, sát hơn với yêu cầu thực tế, tăng tính hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong từng công đoạn của quy trình ban hành văn bản. Đồng thời, kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án còn nhiều chính sách cần phải rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động, thiếu sự đồng thuận cao của các cơ quan; đối với những dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến nhưng chưa đồng ý ban hành, việc bổ sung vào Chương trình phải được đưa ra Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm sự thận trọng, đúng thẩm quyền;…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Ngoài ra, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về chính sách của dự án luật; dự án luật có tính phức tạp hoặc thông qua tại 1 kỳ họp Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn chú trọng cho ý kiến nhiều lần; vai trò của Viện Nghiên cứu lập pháp trong việc tham gia hoàn thiện dự án luật được phát huy; huy động trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của cử tri, Nhân dân vào quy trình xây dựng luật;…

Kế thừa và phát huy thành tựu của các khóa Quốc hội trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động lập pháp nói riêng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn mới, Quốc hội tiếp tục đổi mới toàn diện, tiến tới chuyên nghiệp trong thực hiện các chức năng của Quốc hội./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72764