Hoạt động nhà máy Trung Quốc suy giảm do dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại

Trái với dự báo lạc quan của các nhà kinh tế, hoạt động nhà máy ở Trung Quốc bất ngờ suy giảm trong tháng 7, đảo ngược xung lực phục hồi trước đó. Các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ đang kìm hãm hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc, đồng thời triển vọng ảm đạm kinh tế toàn cầu cũng đang gây tổn thương nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nước này.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Voith Turbo Power Transmission Co, nhà sản xuất linh kiện ô tô ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Voith Turbo Power Transmission Co, nhà sản xuất linh kiện ô tô ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7, do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 31-7, giảm về 49 điểm từ mức 50,2 điểm trong tháng 6. Trước đó, 24 nhà kinh tế được Reuters khảo sát, dự báo chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 7 sẽ tăng lên 50,4 điểm, mức cao nhất trong 12 tháng. Chỉ số này thấp hơn 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đang suy giảm.

Chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, đo lường hoạt động trong ngành xây dựng và dịch vụ, giảm xuống 53,8 điểm so với 54,7 điểm vào tháng trước, theo NBS.

Các số liệu trên cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn rất mong manh khi giới chức trách nới lỏng các biện pháp hạn chế kiểm soát Covid-19 nhờ các đợt bùng phát dịch dịu lại trong tháng 6, nhưng sau đó lại thắt chặt chúng ở bất cứ nơi nào virus bùng phát trở lại. Theo World Economics, các biện pháp phong tỏa kiểm soát Covid-19 ảnh hưởng đến 41% doanh nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7.

Đợt bùng phát Covid-19 ở trung tâm sản xuất Thâm Quyến vào cuối tháng trước đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy ở đó, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới chức trách ở Thâm Quyến đã ra lệnh 100 công ty lớn nhất ở địa phương phải chuyển sang quy trình sản xuất khép kín tại nhà máy của họ, tức công nhân phải ăn ở tại chỗ để hạn chế dịch lây lan.

Các công ty bị ảnh hưởng bao gồm Tập đoàn sản xuất gia công hàng điện tử Foxconn, Tập đoàn công nghệ và thiết bị viễn thông Huawei, hãng sản xuất máy bay không người lái DJI, hãng xe BYD…

Thành phố cảng Thiên Tân, nơi có nhiều nhà máy có liên quan đến hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) và hãng xe Volkswagen (Đức) cùng nhiều khu vực khác của Trung Quốc đã siết chặt các hạn chế đi lại trong tháng này để chống chọi các đợt bùng phát dịch mới.

Nền kinh tế Trung Quốc trong quí 2 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu ở thành phố Vũ Hán. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc có thể chỉ đạt 4% hoặc thấp hơn khi các đợt bùng phát Covid-19 và các biện pháp kiểm soát chúng cũng như cơn khủng hoảng thị trường bất động sản tiếp tục gây áp lực lên các hoạt động kinh tế.

“Mức độ thịnh vượng kinh tế ở Trung Quốc đã giảm, nền tảng cho sự phục hồi vẫn cần được củng cố”, nhà kinh tế Zhao Qinghe của NBS cho biết trong một tuyên bố trên trang web của NBS.

Ông cho biết hoạt động tiếp tục suy giảm trong các ngành công nghiệp dầu mỏ, than đá và luyện kim loại là một trong những yếu tố chính kéo chỉ số PMI ngành sản xuất đi xuống trong tháng 7. Chỉ số này đang rơi về mức thấp nhất trong ba tháng, với các chỉ số phụ về sản lượng, đơn đặt hàng mới và việc làm trong ngành sản xuất đều suy giảm.

Các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục vật lộn với giá nguyên vật liệu thô cao, khiến tỷ suất lợi nhuận của họ suy giảm giữa lúc triển vọng xuất khẩu trở nên u ám do các lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và là Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Công ty tư vấn và quản lý bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) nhận định nhu cầu yếu đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế Trung Quốc. Ông nói: “Tăng trưởng quí 3 của Trung Quốc có thể đối mặt với những thách thức lớn hơn dự kiến khi đà phục hồi diễn ra chậm và mong manh”.

Nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong quí 2 do các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 liên tục được triển khai mỗi khi có ổ dịch mới bùng phát. Giới lãnh đạo cao cấp ở Bắc Kinh vẫn xem chính sách “zero Covid-19” là ưu tiên hàng đầu.

Sau cuộc họp họp gần đây của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, truyền thông nhà nước đưa tin các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% cho năm nay.

Quyết định không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng trong thông báo sau cuộc họp trên đã làm tắt ngúm các suy đoán rằng chính quyền sẽ triển khai các biện pháp kích thích mạnh mẽ, như từng áp dụng trong các đợt suy thoái kinh tế trước đây. Các nhà phân tích nhận định Bắc Kinh sẽ ưu tiên kiểm soát Covid-19, do vậy, sẽ không có biện pháp kích thích kinh tế lớn để giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%.

Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics cho rằng các hạn chế về chính sách, cùng với mối đe dọa liên tục về các đợt phong tỏa và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu, có khả năng khiến đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trở nên gập ghềnh hơn.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoat-dong-nha-may-trung-quoc-suy-giam-do-dich-covid-19-van-chua-dung-lai/