Học 3 năm cao đẳng nhạc họa mà có cô không biết đánh đàn

Có trường trung học cơ sở với gần 40 lớp nên có tới 3 giáo viên âm nhạc. Dù thế, nhà trường vẫn phải thuê người chơi đàn để hỗ trợ cho học sinh hát.

LTS: Phản ánh trình độ của các giáo viên dạy âm nhạc tại các trường tiểu học và trung học, cô giáo Đỗ Quyên nhấn mạnh đến việc đào tạo thực hành tại các trường sư phạm nhạc họa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giáo viên âm nhạc trong các trường phổ thông hiện nay trình độ khá yếu.

Nhiều giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (học 3 năm) xuống dạy tiểu học cũng không thể đánh đàn cho một bài hát ngoài chương trình.

Thế nên, trước sự thay đổi về chương trình (đòi hỏi trình độ dạy âm nhạc của thầy cô cũng phải nâng lên rõ rệt) nhiều người lo ngại giáo viên sẽ khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của chương trình nếu không có sự tự học, tự rèn ngay từ bây giờ.

Giáo viên dạy âm nhạc ở cả 2 cấp (Tiểu học và Trung học cơ sở) đều được đào tạo 3 năm ở các trường sư phạm.

Ảnh mang tính minh họa, nguồn: arlingtonedfoundation.org

Học 3 năm không thể tự đánh đàn

Thế nhưng trong hàng chục thầy cô tốt nghiệp ra trường, người biết chơi đàn, biết sử dụng nhạc cụ chỉ tính trên đầu ngón tay.

Những giáo viên biết chơi nhạc cụ như thế họ bật mí “kiến thức có được nhờ tự học và đăng kí học thêm bên ngoài, chứ học trong trường sư phạm khó có được”.

Việc thầy cô giáo dạy nhạc mà không biết đánh đàn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy làm cho học sinh bị thiệt thòi mà còn gây khó khăn cho nhiều trường học mỗi khi nhà trường tổ chức, triển khai các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Chẳng hạn, gần như tháng nào trường học cũng đều tổ chức chương trình giao lưu theo các chủ điểm.

Để tạo không khí vui tươi cho buổi giao lưu, học sinh thường tổ chức biểu diễn văn nghệ.

Thế nhưng, giáo viên âm nhạc không biết đánh đàn. Không có cách nào khác, một số trường học buộc phải mướn người bên ngoài vào để đệm đàn cho các tiết mục.

Có trường trung học cơ sở với gần 40 lớp nên có tới 3 giáo viên âm nhạc. Dù thế, nhà trường vẫn phải thuê người chơi đàn để hỗ trợ cho học sinh hát.

Có Ban giám hiệu đã bức xúc lên tiếng “nhà trường có tới 3 thầy cô dạy nhạc mà khi cần chẳng có ai có thể đảm nhận được việc này”.

Với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học, trung học cơ sở tiết âm nhạc giáo viên mới chỉ đơn giản tập cho học sinh hát đúng lời ca, nhún nhảy theo nhịp điệu, biết gõ song loan, thanh phách, đệm đàn theo bài hát được gài sẵn bằng cây đàn điện tử.

Ngoài cây đàn điện tử ấy, giáo viên âm nhạc không dám giới thiệu các nhạc cụ (nếu có cũng chỉ dừng lại ở lý thuyết) như đàn Ghi ta, đàn Piano, sáo trúc…

Đã có học sinh từng hỏi một giáo viên âm nhạc trong buổi giao lưu: “Sao cô không đánh đàn cho lớp mình hát mà là thầy nào lạ hoắc ấy?

Cô giáo ấy đã không thể trả lời theo đúng sự thật rằng cô không biết chơi đàn.

Không đào tạo lại khó đáp ứng chương trình mới

Trước thực trạng trình độ của giáo viên âm nhạc khá yếu, chúng tôi cũng đã có cuộc trò chuyện với một số giáo viên dạy âm nhạc: “Ba năm học cao đẳng nhạc, sao không thể tự mình đánh đàn được một bài hát?

Cô Hồng giáo viên âm nhạc một trường trung học cơ sở cho biết: “Ở trường sư phạm có phải học mỗi cách đánh đàn hay chơi nhạc cụ đâu?

Gọi là học khoa Nhạc-Họa thì số tiết hai môn học này gấp đôi những môn học khác.

Trong khi đó, sinh viên phải gồng mình học biết bao môn mà phục vụ không nhiều cho việc giảng dạy. Ví như môn Triết học, môn Chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh…".

Một số giáo viên nói rằng muốn chơi được nhạc cụ trừ khi giáo sinh phải ra đăng kí học thêm bên ngoài. Nhưng đâu phải giáo sinh nào cũng có điều kiện.

Khá nhiều người vì học phí quá cao đã không thể đi học thêm. Và như thế sau 3 năm, học khoa nhạc vẫn không thể biết đánh đàn.

Với năng lực yếu kém của giáo viên dạy âm nhạc như thế thì khó áp dụng với chương trình mới hiện nay.

Chương trình mới quy định, giáo viên phải hướng dẫn cho các em chơi tiết tấu (từ lớp 1), chơi giai điệu (từ lớp 4), chơi hòa âm (từ lớp 6).

Tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường, giáo viên có thể dạy học sinh chơi bộ gõ cơ thể, nhạc cụ tự làm, nhạc cụ Việt Nam (trống nhỏ, song loan, thanh phách, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, nhạc cụ phổ biến ở địa phương...). hoặc nhạc cụ nước ngoài (melodica, recorder, ukulele, harmonica, guitar, keyboard...).

Giáo viên không biết chơi các nhạc cụ ấy thì sao có thể hướng dẫn cho học sinh?

Môn Âm nhạc đã được xác định là môn học quan trọng. Bởi thế, ngay từ bây giờ, lực lượng thầy cô dạy môn học này ở hai bậc học (tiểu học và trung học cơ sở) cần được đào tạo lại một cách bài bản hơn.

Cũng như ở các trường sư phạm, cần giảm bớt những môn học lý thuyết mà tăng cường các kĩ năng thực hành trên các nhạc cụ.

Có như thế, chất lượng giảng dạy của giáo viên mới đạt được theo đúng mục tiêu của chương trình mới đề ra.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-3-nam-cao-dang-nhac-hoa-ma-co-co-khong-biet-danh-dan-post183927.gd