Học ăn học nói, học gói học mở

'Ăn trông nồi, ngồi trông hướng', 'Học ăn học nói, học gói học mở', những lời dạy của cha ông ta chính là phép tắc lễ tân vậy.

Trong cuộc sống, ở đâu và người nào cũng luôn có những nghi thức xã giao tối thiểu mà ta cần tôn trọng. Tất cả đều phải học. Càng là chính khách thì càng nên học cho kỹ để ứng xử phù hợp, bởi đó còn là sự thể hiện "phương diện quốc gia". Điều này thực ra cũng rất đơn giản, bởi bất cứ việc gì, một khi ta muốn làm đúng cũng phải được học hoặc tự học, tự tích lũy.

Trong nghi thức ngoại giao, nghi lễ nằm trong phạm trù văn hóa của mỗi quốc gia. Đối với giao tiếp xã hội bình thường, về cơ bản cũng vậy, tuy nhiên đừng quá xét nét mà đôi khi cần thể tất cho nhau.

Phải chăng cũng vì nhiều khi chỉ do nghĩ giản đơn, do thói quen xuề xòa nên mới sinh ra sự này sự nọ. Cũng có thể do cấp dưới hoặc bộ phận lễ tân của cơ quan đối ngoại thiếu sự hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết đối với người thi hành công vụ, thậm chí cấp dưới còn sợ bị sếp hiểu lầm rằng mình “trứng khôn hơn vịt”, muốn "dạy khôn sếp” hay sao.

Vì thế, đôi khi trong cuộc sống xảy ra những chuyện dở khóc dở cười. Đời thường thì còn “cho qua”, chứ với nghi thức ngoại giao thì sẽ rất tai hại, khó đỡ...

Trong lịch sử, có những động thái tưởng như "phi ngoại giao" nhưng lại được xem là chuyện kỳ diệu và được coi như thành công bất ngờ. Nó được nhắc mãi suốt nhiều thập niên như một biểu tượng, một phong cách ngoại giao mà nay ta bắt đầu gọi tên. Đó là ngoại giao "cây tre Việt Nam".

Sử sách đã ghi lại, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Nhân dân và thiếu nhi Pháp rất vui mừng phấn khởi đón Người. Họ tụ tập, vẫy tay và hoan hô Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi Người đi qua hoặc đến thăm.

Có một chuyện mà đến nay người Pháp vẫn còn nhắc với tấm lòng trìu mến, sự cảm phục. Đó là câu chuyện quả táo Bác tặng trẻ thơ.

Hôm ấy, tòa thị chính Paris mở tiệc lớn đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiệc tan, mọi người cùng ra phòng ngoài uống nước, nói chuyện. Bác vui vẻ đứng dậy rời bàn tiệc và cầm theo một quả táo. Nhiều người ngạc nhiên, nhiều con mắt tò mò, trong đó có các nhà báo. Họ chú ý săm soi cho rằng đây là chuyện kỳ quặc chưa hề thấy ở một lãnh tụ. Tại sao một chính khách từng có nhiều năm sống bên trời Âu mà lúc ăn tiệc xong lại còn lấy “phần” đem về? Nhiều người bắt đầu chú ý xem vị khách sẽ làm gì với nó...

Bác ra đến ngoài cửa thì có một đám thiếu nhi ríu rít chạy tới chào. Bác tươi cười tìm rồi bế một em gái nhỏ nhất lên hôn và đưa cho em bé một quả táo. Mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ, rồi òa lên. Họ rất cảm động trước cử chỉ yêu thương trẻ em của Bác. Ngày hôm sau, câu chuyện “Quả táo của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được hầu hết các báo đăng lên trang nhất...

Nhưng đó là lối ứng xử ngoại giao có một không hai, và ít ai có thể làm theo được.

Còn trong thực tiễn, có lẽ vẫn cần phải có những nghi lễ tối thiểu nhất có thể...

Cách đây vài năm, tôi được nghe một vị chính khách kể lại. Ông nguyên là bộ trưởng và từng giữ trọng trách vài khóa trong chính phủ. Ông cho biết, việc này (nghi thức lễ tân, ngoại giao) cán bộ ta thường phải tự học là chính chứ học thông qua lớp tập huấn của cơ quan lễ tân Bộ Ngoại giao cho cán bộ cao cấp thì ông không thấy mấy. Nội dung cần thiết thường chỉ trong những tờ giấy do bộ phận đối ngoại cơ quan chuẩn bị cho chuyến công tác cụ thể. Cũng có khi họ kết hợp với tài liệu của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao. Việc thông báo chỉ mang tính nội bộ, tùy theo tính chất công việc của mỗi đoàn, mỗi nước với những đặc điểm sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Tài liệu được in sẵn rồi phát cho các thành viên đoàn công tác trước khi lên đường. Song nhiều khi về khâu lễ tân, những sinh hoạt đơn giản thường ngày lại ít được hướng dẫn kỹ. Cách lưu ý về sinh hoạt, nghi lễ cũng không nhiều so với những lưu ý, nhắc nhở khác, kiểu như khái quát tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của nước sở tại mà đoàn sẽ đến, hoặc cần đặc biệt lưu ý những gì...

Vị nguyên bộ trưởng có kể cho tôi nghe một chuyện mà đến hôm nay (cũng đã 36 năm), theo tôi vẫn nên coi như một kinh nghiệm quý trong công tác đối ngoại. Biết cũng là để tránh tái diễn điều không hay.

Tôi nghĩ, nên nhắc lại chuyện cũ như một thứ kinh nghiệm, giúp cho công tác đối ngoại của ta hiện nay tránh đi những sự thiếu tinh tế trong ngoại giao mà người này người kia đã không may mắc phải, khiến dư luận bàn tán, đàm tiếu này nọ...

Khi đó (năm 1987), ông (vị bộ trưởng nói trên) được tham gia đoàn cấp cao của chính phủ ta sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Cuba với chức vụ thứ trưởng.

Trong bữa tiệc chiêu đãi trọng thể đoàn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro đãi nhiều món hải sản, trong đó có món cua bể rang muối.

Cũng giống như ở nước ta, người ăn phải dùng tay gỡ cua. Rồi nước để rửa tay cho át mùi tanh của đồ biển thì cũng y như ở nước ta thường dùng. Đó là nước trà, có vị chát.

Với Việt Nam, bạn đãi ta thân tình như anh em một nhà và chuyện trò rất rôm rả. Cũng do quá vui, nhất là khi Chủ tịch Fidel kể những câu chuyện hài hước, dí dỏm, nên mọi người vui đến mức quên cả nghi thức ngoại giao.

Khi dùng xong món cua bể, nhân viên phục vụ đem ra cho mỗi người một bát nước như tôi vừa kể. Chiếc bát này cũng rất sang trọng, được đặt trong đĩa. Vị đứng đầu đoàn chúng ta tưởng là canh nên đã cầm thìa múc, uống trong khi người phiên dịch thì lại quá bất ngờ, chưa kịp phản ứng và giải thích. Còn các thành viên ngồi cùng, tuy nhìn thấy nhưng lại lúng túng, chưa biết cách xử trí ra sao.

Điều kỳ lạ ở chỗ sự khó xử lại được "tháo nút" bởi Chủ tịch Fidel. Với cách ứng xử vô cùng lịch lãm, khéo léo, ông bất ngờ làm theo vị trưởng đoàn của ta. Ông cũng húp bát nước trà tương tự như vị thượng khách của đất nước ông. Mục đích là để tránh không khí đang có vẻ không được ổn, không thoải mái, đầy tế nhị đó...

Vậy là mọi người trong bữa tiệc, cả hai bên, không ai bảo ai, đều làm theo Chủ tịch Fidel...

Điều vui nhất mà cũng là bất ngờ nhất trong bữa tiệc, sau cử chỉ tinh tế để làm nhẹ không khí bởi nhầm lẫn đó, thì chính Chủ tịch Fidel đã có cách ứng xử cực khéo, tạo nên những tiếng cười hồn nhiên, vui vẻ của tất cả mọi người.

Sau chuyến đi và sự cố nhớ đời, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao có họp rút kinh nghiệm, hướng dẫn, truyền đạt lại vụ việc như một bài học cho các cán bộ nhà mình, từ đó trở về sau không thì tôi không biết.

Ông bộ trưởng cũng còn kể, trong một lần khác nữa, khi ông được vinh dự tháp tùng lãnh đạo Chính phủ sang thăm Cộng hòa Pháp. Chủ nhà đã mở “quốc yến” chiêu đãi đoàn ta rất sang trọng dù chỉ có vài món (người châu Âu không dùng nhiều món như người châu Á). Theo phong cách Âu châu, cách mà người nhân viên phục vụ luôn để thứ tự từng loại thìa, nĩa, dao… từ nhỏ đến to đều có mục đích, theo từng loại đồ ăn, bắt đầu từ thứ để ăn súp, đến món cuối cùng là tráng miệng. Cách sắp xếp đều tương thích với từng món trong thực đơn...

Nếu như thực khách ai đó để không đúng kiểu các đồ dao, nĩa, thìa... thì người hầu bàn mặc nhiên hiểu vị khách đó đã ăn xong hoặc không ăn. Vì thế họ sẽ dọn đi. Bữa đó, một vị khách Việt Nam trong đoàn, vì sơ ý đã mắc phải sơ sót này để rồi đành nhịn đói vì không lẽ xin lại để ăn tiếp.

Tôi nghĩ, để giảm thiểu những sơ sót về nghi thức ngoại giao có thể xảy ra, đại loại như vừa kể, các cán bộ, nhất là người lãnh đạo, cần được tập huấn và học hỏi cụ thể sao cho chuẩn nhất.

"Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", “Học ăn học nói, học gói học mở”, những lời dạy của cha ông ta chính là phép tắc lễ tân vậy. Việc tưởng như rất giản đơn ấy, nếu cơ quan lễ tân ngành ngoại giao mà xem nhẹ coi thường thì tất có ngày quan chức cấp cao gặp sự cố.

Quốc Phong

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hoc-an-hoc-noi-hoc-goi-hoc-mo-203226.html