Học cách dùng thẻ thông minh

Trong câu chuyện sử dụng thẻ thông minh, ngoài việc bảo mật thẻ thì ngày nay, các ngân hàng cũng kỳ vọng khách hàng có những thao tác quản lý tài chính tối ưu nhất.

Trong câu chuyện sử dụng thẻ thông minh, ngoài việc bảo mật thẻ thì ngày nay, các ngân hàng cũng kỳ vọng khách hàng có những thao tác quản lý tài chính tối ưu nhất. Nguồn: internet

Công nghệ số hóa mang lại nhiều tiện ích, giúp các ngân hàng đáp ứng được nhu cầu giao dịch nhanh chóng, hiệu quả, mọi lúc mọi nơi của khách hàng. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro tiềm ẩn cho khách hàng, đặc biệt là nguy cơ bị lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức lừa đảo. Do vậy, một mặt các ngân hàng đang nỗ lực nâng cao tính an toàn, bảo mật trong giao dịch điện tử, mặt khác cũng cố gắng thông tin tới khách hàng các hình thức gian lận để cảnh báo cũng như khuyên chủ thẻ nên biết cách sử dụng thẻ một cách thông minh.

Thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng cho biết họ đã nhận diện được một số hình thức lừa đảo phổ biến của nhóm tội phạm công nghệ liên quan đến các giao dịch thẻ. Nhìn chung các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong khi đó ý thức bảo mật các thông tin cá nhân, những “thông tin mật” của người tiêu dùng Việt còn nhiều bất cập.

Thử nhìn vào người dân Mỹ, mỗi người đều có số Thẻ An sinh xã hội (social security number) và đây là con số bảo mật không có người thứ 2 nào có thể biết được. Bởi chỉ cần lộ số thẻ này, ngay lập tức họ sẽ bị làm giả giấy tờ bảo hiểm, giấy tờ ngân hàng và thậm chí là bị mượn danh tính để phạm tội. Theo ghi nhận, những người sống ở Mỹ, kể cả người trong gia đình, họ cũng không được biết số Social của nhau, cũng như không bao giờ có hình chụp, sao chép, photocopy… trong bất kể trường hợp nào. Có thể nói, chuyện bảo mật thẻ an sinh xã hội là chuyện sống còn của mỗi cá nhân sống tại Mỹ.

Còn tại Việt Nam thì sao? Mỗi người khi trưởng thành đều có số CMND/Thẻ căn cước công dân (CCCD). Đây là thông tin cá nhân để mỗi người có quyền đi đăng ký mọi dịch vụ liên quan như bảo hiểm, y tế, giáo dục, thẻ ngân hàng. Thế nhưng, khác với những người sống tại Mỹ, người Việt Nam thường không quan tâm đến chuyện bảo mật giấy tờ cá nhân của mình và sẵn sàng cung cấp ngay các thông tin CMND/CCCD mỗi khi được yêu cầu. Thậm chí, chuyện cho mượn giấy tờ cá nhân hay giao cho người khác cầm giúp cũng là chuyện bình thường. Cũng chính vì quá dễ dãi trong việc cho mượn giấy tờ tùy thân, đến trường hợp mở tài khoản ngân hàng hộ hay việc cho mượn thẻ ngân hàng cũng được coi là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Không ngoa khi nói rằng, có đến 100% trường hợp khi thanh toán bằng thẻ tín dụng là người chủ thẻ sẽ đưa thẻ cho nhân viên bán hàng mang đi thanh toán. Họ không biết rằng người nhân viên mang thẻ đi thanh toán đó có giở trò (chụp lại thẻ, sao chép thông tin…) hay không. Đó là chưa kể, những người để hàng trăm, hàng tỷ đồng trong thẻ ATM cũng rất hớ hênh khi rút tiền. Họ chẳng thèm che tay khi bấm password, trong khi với những máy ATM đặt tại những nơi công cộng không người trông coi, việc gắn chip là vô cùng đơn giản…

Chính điều này giúp cho tội phạm có cơ hội dễ dàng để đánh cắp thông tin tài khoản của người tiêu dùng Việt Nam dễ như trở bàn tay. Điều này khiến các ngân hàng cũng rất đau đầu vì họ có đầu tư rất nhiều “cửa”, nhưng khách hàng lại chẳng thèm “khóa” nên kết quả chẳng đi đến đâu.

Do vậy, các ngân hàng đang cố gắng truyền đạt cho người tiêu dùng hiểu về cách sử dụng thẻ thông minh mới là điều quan trọng nhất. Vậy, sử dụng thẻ như thế nào mới là thông minh?

Theo khuyến nghị của các chuyên gia ngân hàng, chủ thẻ tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như mật khẩu truy cập, mật khẩu thiết bị bảo mật, câu hỏi bảo mật, mật khẩu tài khoản, mã OTP cho bất kỳ người nào (kể cả nhân viên ngân hàng). Đặc biệt, chủ thẻ phải lưu ý rằng mã OTP chỉ được sử dụng cho các giao dịch trừ tiền từ tài khoản hay thay đổi thông tin của khách hàng mà không có giá trị để nhận tiền.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp bảo mật, chống virus và không chia sẻ các thiết bị cá nhân mà khách hàng dùng để truy cập, thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Không sử dụng các thiết bị di động đã bị phá khóa để tải và sử dụng ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Không dùng máy tính công cộng hoặc thiết bị di động không thuộc sở hữu của khách hàng để truy cập, thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến.

Nói một cách đơn giản, bảo mật các “thông tin mật” của mình, tức là không chia sẻ các thiết bị lưu trữ các thông tin này, không lưu lại thông tin này trên các trình duyệt web và thoát khỏi ứng dụng ngân hàng trực tuyến khi không sử dụng.

Điều tối thiểu của người sử dụng thẻ đó là phải đổi mật khẩu đăng nhập theo định kỳ, tối thiểu 3 tháng 1 lần. Và có lẽ ai cũng biết rằng, không thiết lập mật khẩu giao dịch tài chính trùng với các mật khẩu dễ đoán (như số điện thoại, ngày tháng năm sinh….) là điều rất quan trọng.

Đối với những trường hợp nghi ngờ và/hoặc phát hiện thông tin dùng để truy cập bị tiết lộ, bị đánh cắp hoặc không còn đảm bảo tính bảo mật, người tiêu dùng cũng phải ngay lập tức tiến hành thay đổi mật khẩu, phát hành lại thiết bị bảo mật và/hoặc thông báo cho ngân hàng bằng cách đến trực tiếp chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng hoặc gọi đến trung tâm dịch vụ của ngân hàng đó để được hỗ trợ kịp thời…

Trong câu chuyện sử dụng thẻ thông minh, ngoài việc bảo mật thẻ thì ngày nay, các ngân hàng cũng kỳ vọng khách hàng có những thao tác quản lý tài chính tối ưu nhất. Điều này không chỉ tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng mà còn từng bước tiến đến một hình thức giao dịch tài chính thông minh, không còn phụ thuộc vào tiền giấy.

Đó là, để không bị ghi nhận tình trạng thanh toán trễ hạn, các ngân hàng mong rằng người tiêu dùng nên thanh toán tối thiểu số tiền được thông báo trong bảng sao kê thẻ hàng tháng vào ngày đến hạn. Bởi nếu ít nhất số tiền thanh toán tối thiểu không được ghi có vào hệ thống trước 16:30 vào ngày đến hạn, chủ thẻ sẽ bị ghi nhận tình trạng thanh toán trễ hạn và điều này sẽ được ghi nhận vào lịch sử tín dụng của chủ thẻ tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Làm được điều này, người tiêu dùng không bao giờ cảm thấy khó chịu khi phải thanh toán lãi và phí phát sinh liên quan.

Và có lẽ mỗi người cũng nên biết cách tính lãi mà ngân hàng đang tính trên từng giao dịch thẻ. Đó là, đối với các “Giao dịch mua hàng hóa” lãi sẽ được tính khi chủ thẻ không thanh toán toàn bộ (100%) dư nợ cuối kỳ vào hoặc trước ngày đến hạn. Lãi sẽ được tính từ ngày giao dịch được ghi nhận cho đến ngày thực thanh toán của giao dịch đó.

Còn đối với các khoản “Gói trả góp”, lãi sẽ được tính với mức lãi suất và kỳ hạn tương ứng với “Gói trả góp” mà chủ thẻ đã đăng ký. Đối với giao dịch “Ứng tiền mặt”, lãi được tính từ ngày giao dịch được thực hiện cho đến khi giao dịch được thanh toán hết…

Theo Quỳnh Vũ/thoibaonganhang.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-gia-dinh/hoc-cach-dung-the-thong-minh-152337.html