Học cách quý trọng thất bại từ thuyết 'Thiên nga đen'

Khi một chú thiên nga đen xuất hiện, phút chốc đã làm thay đổi toàn bộ thế giới quan của nhân loại vì vốn dĩ ai cũng luôn cho rằng: thiên nga phải có màu trắng.

Bạn nghĩ gì khi đang đi dạo công viên và thấy trên mặt hồ một chú thiên nga đen giữa một bầy thiên nga trắng? Chú bị dị tật, làm xấu đội hình hay chỉ vô tình bị dính sơn vào bộ lông trắng? Bạn có mặc định rằng thiên nga là “phải trắng” hay điều gì trong cuộc sống của bạn phải thế này thế kia không?

Để trả lời những câu hỏi đó, Nassim Nicholas Taleb đã nghiên cứu thói quen mặc định sự hiểu biết trong não bộ chúng ta với Thiên nga đen, một tác phẩm giúp người đọc hiểu hơn về chính mình và thay vì đóng khung sự hiểu biết như bộ lông thiên nga trắng toát, sao chúng ta không tự mình giúp chúng sặc sỡ hơn trong trí tưởng tượng của chúng ta?

Sách Thiên nga đen.

Sách Thiên nga đen.

Con người thường ảo tưởng về sự hiểu biết, hay cách mọi người nghĩ rằng mình biết những gì đang diễn ra trên thế giới này trong khi chúng phức tạp (hay ngẫu nhiên) hơn rất nhiều so với khả năng nhận thức của họ; sự bóp méo khi truy hồi về quá khứ, hay cách chúng ta hiểu được vấn đề chỉ sau khi nó xảy ra, như thể nó nằm trong chiếc gương chiếu hậu (lịch sử có vẻ rõ ràng và “ngăn nắp” trong sách vở hơn so với thực tế); và việc đánh giá quá cao thông tin của các dữ kiện cùng với thế bất lợi của những người có học thức và có thẩm quyền.

Bộ não của chúng ta là những cỗ máy giải thích rất tuyệt vời, có khả năng hợp lý hóa hầu như mọi thứ, có thể đưa ra lời giải thích về bản chất của mọi hiện tượng, và nhìn chung, không chấp nhận khái niệm về khả năng không thể dự đoán.

Cuộc sống luôn có những sai số, chúng ta nên chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để vững tin bước tiếp cuộc đời mình. Thị trường cổ phiếu sụt giá trầm trọng khiến những nhà đầu tư mất trắng và sau đó là vài vụ tự vẫn, chỉ vì không chuẩn bị tâm lý cho những cú sốc trầm trọng như thế.

Bạn phải tập sống độc lập, và tư duy đa dạng, như việc tô màu cho bộ cánh thiên nga vậy, nếu chúng có màu đen sao chúng ta không điểm thêm đôi cánh chúng vài ánh sao lấp lánh mà phải tuyệt vọng mặc định chúng trắng tinh không tì vết?

Thuyết “Thiên nga đen” cũng như lỗ hổng nhận thức của mỗi người, khiến độc giả không khỏi liên tưởng đến một bộ phim khá tương đồng với thế giới mạng xã hội hiện nay: Mười hai người đàn ông giận dữ.

Phim kể về một thanh niên bị tình nghi giết cha ruột của mình và mọi bằng chứng đều bất lợi cho cậu, 12 người của bồi thẩm đoàn bắt đầu phiên làm việc của mình và tất cả hội thẩm viên đều muốn kết thúc nhanh chóng vụ án vì các chứng cớ đã quá rõ ràng.

Trừ một người duy nhất, ông không muốn sinh mạng của một con người lại có thể được quyết định chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút và ông đã đưa ra chứng cứ thuyết phục 11 người còn lại, dù rất gay go vì hi vọng mong manh, thậm chí ông còn bị miệt thị.

Một minh họa cho thuyết Thiên nga đen.

Người đàn ông duy nhất đó chính là một Thiên nga đen trong cộng đồng Thiên nga trắng. Hằng ngày, những thông tin trên các kênh truyền thông đã vô hình định hướng tư duy, suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Những vụ bê bối tài chính, scandal của người nổi tiếng làm sai lệch hệ thống nhận thức khiến cho chúng ta mặc định à nghệ sĩ họ thế, showbiz là như thế... Điều này quả là bất công với những người muốn cống hiến cho nghệ thuật chân chính.

Sống không phụ thuộc vào lý thuyết, khuôn khổ

Con người là nạn nhân của sự bất cân xứng trong nhận thức về các sự kiện ngẫu nhiên. Chúng ta cho rằng thành công của mình là nhờ vào kỹ năng, còn thất bại là do các yếu tố ngoại cảnh, vượt khỏi khả năng kiểm soát của mình, cụ thể là tính ngẫu nhiên.

Chúng ta cảm thấy có trách nhiệm với những điều tốt đẹp chứ không phải những điều tồi tệ. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác trong bất kỳ công việc kiếm sống nào. Do đó, cuốn sách sẽ giúp bạn sống mà không phụ thuộc vào lý thuyết, khuôn khổ hay tiền lệ nào cả.

Quả thực, chúng ta gặp nhiều khó khăn về mặt trí tuệ và tâm lý đối với phương pháp thử-sai, và với việc chấp nhận rằng cần phải có những chuỗi thất bại nhỏ trong cuộc sống. “Bạn cần phải biết yêu sự thất bại”, không đơn giản để chấp nhận sự tuyệt vọng, nhưng điều gì cũng có giá và bài học của nó, qua ngàn lần thí nghiệm thì các nhà khoa học mới tìm ra chân lý.

Sống là không dễ dàng, vậy để cuộc sống của mình được đảm bảo an toàn hơn, tránh rủi ro thì mỗi người nên tìm những phương thức thích hợp, tìm hiểu lịch sử, những thí nghiệm thực chứng, những sai phạm của người đi trước để tránh bế tắc, hành xử cực đoan với chính cuộc đời mình.

Tác giả Nassim Nicholas Taleb.

Công trình nghiên cứu của Nassim Nicholas Taleb như một môn khoa học tâm lý thần kinh phân tích não bộ của chúng ta, đưa ra những biện chứng, lý giải cụ thể, tìm ra những chú “Thiên nga đen” trong nhận thức để chính chúng ta khai mở tâm trí/tâm lý mình.

Và lời khuyên của ông rằng: “Bạn đứng trên cuộc chiến quyết liệt và trên hệ thống cấp bậc xã hội, chứ không phải đứng ngoài nó, nếu bạn chủ ý làm thế”.

Vâng, mỗi chúng ta phải thật can đảm, trang bị đủ kỹ năng cần thiết để sống cuộc đời mình một cách trọn vẹn nhất, vì đặc ân được sống chỉ duy nhất một lần trong đời.

Phi Yến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-cach-quy-trong-that-bai-tu-thuyet-thien-nga-den-post851002.html