Học cách thích nghi

Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp châu Âu, một số nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đang tỏ ra lo lắng không biết sẽ phải giải quyết các vấn đề của khối ra sao nếu cứ phải họp theo hình thức trực tuyến mãi như vậy?

Kể từ khi đại dịch bùng phát ở châu Âu làm cả thế giới choáng váng, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định hoãn nhiều cuộc họp hoặc chuyển sang họp trực tuyến để bảo đảm an toàn.

Một nhà ngoại giao nói: “Bạn không thể đưa ra quyết định trong các hội nghị trực tuyến, nó như một cuộc họp không chính thức”.

Kỳ thực điều đó không hoàn toàn chính xác. Một châu Âu ngày thường chia rẽ là thế, nhưng trong “cơn bão” đại dịch, vẫn đồng lòng đưa ra được một vài quyết định nhanh chóng để chung tay ứng phó. Người bảo vệ hình thức họp trực tuyến, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng, nó (hình thức họp trực tuyến) đã sẵn sàng để tạo ra những quyết định chung “hiệu quả và rõ ràng” để đối phó với virus gây đại dịch.

Nhưng vấn đề được đặt ra là, họp trực tuyến liệu chống chịu được bao lâu, nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa biết khi nào chấm dứt và các nước thành viên bất đắc dĩ phải kéo dài thời hạn “đóng cửa” gây biết bao hệ lụy về kinh tế-xã hội…?

Hơn nữa, điều khiến các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại là tính bảo mật của các cuộc họp trực tuyến. Bởi qua màn hình, không ai có thể kiểm soát được, ngoài lãnh đạo các nước thành viên, còn có cá nhân nào khác có mặt khi cuộc họp trực tuyến đang diễn ra. Và như thế, nguy cơ về việc để lọt thông tin nhạy cảm, thậm chí bất lợi ra bên ngoài cho giới truyền thông khai thác là rất lớn.

Thế là giữa hàng núi vấn đề phức tạp nội khối phải lo bàn bạc giải quyết, nhiều nhà ngoại giao đương chức và về hưu lại phải đau đầu thêm về “vấn đề bí mật là quan trọng”.

Khách quan mà nói thì họp trực tuyến cũng không quá tệ, ít nhất sẽ giúp các nhà lãnh đạo và quan chức EU cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, cũng như khi đưa ra các quyết định của mình. Vả lại, cẩn thận mùa dịch không bao giờ thừa, nhất là khi đã có một số nguyên thủ và quan chức EU phải cách ly đề phòng khả năng nhiễm virus.

Mùa dịch thì việc thay đổi cách thức họp hành, làm việc để tránh tụ tập đông người cũng đang phổ biến ở nhiều nơi. Tốt hơn hết, tất cả nên cùng học cách thích nghi với những thay đổi mùa dịch, vì chưa biết khi nào nó mới chấm dứt, thay vì thêm một mối lo giữa muôn vàn mối lo cần kíp hơn.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hoc-cach-thich-nghi-613251