Học đi đôi với hành

Với tổng diện tích 500m2 cùng hệ thống thí nghiệm được đầu tư bài bản, đồng bộ và hiện đại, nhà thử nghiệm A10 Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) đang là một trong những phòng thí nghiệm, thực hành lớn nhất trong khối các trường đại học đào tạo về lĩnh vực công trình của cả nước, giảm bớt kiểu học chay, giúp sinh viên hiểu rõ thực tế hơn.

Không chỉ mô phỏng thực tế bằng những mô hình thí nghiệm nhỏ như các phòng thí nghiệm, thực hành thông thường, điều đặc biệt của nhà thử nghiệm A10 Trường Đại học GTVT còn là các mô hình thí nghiệm được mô phỏng theo kích thước 1:1 so với thực tế. TS Lương Xuân Chiểu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT, Trường Đại học GTVT cho biết: “Những thiết bị đặc thù của ngành xây dựng công trình như: Thiết bị thí nghiệm mỏi; hệ thống thiết bị giả động, hệ thống thiết bị thử nghiệm động đất; mô hình bản sao số trong phát hiện hư hỏng kết cấu công trình... được nhà trường đầu tư quy mô, bài bản và hiện đại có vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nghiên cứu sinh. Từ những hệ thiết bị này các chuyên gia của nhà trường đã nghiên cứu có giải pháp xử lý những vấn đề của thực tiễn, như: Xử lý hư hỏng mặt cầu Thăng Long, xử lý lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa...”.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải thực hành thí nghiệm tại nhà thử nghiệm A10.

Hơn một tuần được thí nghiệm, thực hành tại nhà thử nghiệm A10, em Đoàn Việt Trung, sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành đường ô tô và sân bay, Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT được trực tiếp vận dụng các thiết bị đặc thù của ngành học. Không còn là những bài học trên sách vở, Việt Trung được sử dụng các máy dò cốt thép để kiểm tra cốt thép bên trong bê tông, máy siêu âm bê tông để kiểm tra bê tông, súng bật nảy để kiểm tra cường độ bê tông. Đây cũng là nội dung của môn thí nghiệm chuyên môn dành cho sinh viên năm thứ 4 của nhà trường tại nhà thử nghiệm A10. Việt Trung cho biết: “Những mô hình, thí nghiệm đã lôi cuốn và thôi thúc em tự học, tự nghiên cứu thêm các thiết bị đặc thù của ngành học. Qua đó, giúp em có vận dụng những kiến thức đã học vào công việc trong tương lai”.

Tăng cường thí nghiệm, thực hành; khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu là một trong phương pháp giáo dục tích cực của nhà trường, nhằm tạo môi trường giúp người học có thêm cơ hội thực hành, xây dựng và rèn luyện ý thức tự học suốt đời, phát huy tốt nhất tiềm năng và khả năng sáng tạo. Xác định người học là trung tâm, người thầy truyền cảm hứng, thời gian qua, Trường Đại học GTVT luôn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm phục vụ công tác thực hành của sinh viên, nghiên cứu khoa học sinh viên và giảng viên. Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học GTVT, cùng với nhà thử nghiệm A10, nhà trường hiện có 19 phòng thí nghiệm, thực hành cấp khoa và cấp bộ môn. Phương pháp dạy từ lý thuyết sang thực hành trực quan sinh động không chỉ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức tốt hơn mà còn tạo hứng thú cho người học trong quá trình học tập, nghiên cứu, từ đó giúp sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu công việc khi ra trường.

Theo đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của Trường Đại học GTVT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình đại trà, chương trình tiên tiến và chất lượng cao tại Hà Nội là 4.200 chỉ tiêu và 1.500 chỉ tiêu đối với phân hiệu ở TP Hồ Chí Minh. Trong số 25 ngành thuộc chương trình tuyển sinh đại trà năm nay, trường mở thêm mã ngành mới là Tài chính-Ngân hàng. Với tầm nhìn trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Thanh Chương cho biết: “Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm cho các phòng thí nghiệm, thực hành, phấn đấu khẳng định vị thế là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước trong lĩnh vực GTVT”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/hoc-di-doi-voi-hanh-659106