Học địa lý bằng đo đất, đo nước, quan sát mây

Học sinh học tập trong lều khí tượng, sử dụng thiết bị đo mưa, đo đất, đo nước quan sát khí quyển. Chương trình khoa học này đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhân rộng tại nhiều trường học ở Hà Nội.

Tiến sĩ Tony P.Murphy, Giám đốc Văn phòng thực hiện Globe hướng dẫn giáo viên Việt Nam tham gia thực hành nội dung về đất. Ảnh: VNSC

Tiến sĩ Tony P.Murphy, Giám đốc Văn phòng thực hiện Globe hướng dẫn giáo viên Việt Nam tham gia thực hành nội dung về đất. Ảnh: VNSC

GLOBE là chương trình khoa học và giáo dục môi trường quốc tế nhằm đưa học sinh (từ 6-18 tuổi), giáo viên và nhà khoa học cùng nhau học tập về môi trường toàn cầu. Ra đời năm 1995, mạng lưới chương trình GLOBE gồm 113 quốc gia hợp tác cùng nhau để đào tạo gần 60 ngàn giáo viên và 2 ngàn sinh viên tham gia thu thập dữ liệu, nâng cao nhận thức về môi trường Trái đất.

Đây cũng là chương trình liên ngành với cơ cấu tổ chức và điều hành được tài trợ bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA), Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), được hỗ trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và thực hiện bởi Văn phòng Chương trình GLOBE thông qua thỏa thuận hợp tác giữa NASA và Hiệp hội Đại học nghiên cứu khí quyển. Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đưa chương trình này vào nội dung học tập chính thức.

Tại Việt Nam, Chương trình được triển khai thí điểm ở một số trường Trung học cơ sở cấp 2,3 trên địa bàn Hà Nội như Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường THCS Thực nghiệm và Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành từ năm học 2017-2018, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Cụ thể khi tham gia chương trình này, học sinh sẽ được trực tiếp đo nhiệt độ không khí, cách quan sát mây, quan sát vệt khói trắng của mây và lượng mưa cùng chỉ số pH, đo nhiệt độ, độ trong của nước, độ pH, tính dẫn điện của nước hay đo sự rắn chắc, kết cấu bề mặt đất. Nhờ đó, việc học địa lý sẽ trở nên trực quan, sinh động và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, tham gia chương trình này, giáo viên và học sinh Việt Nam có cơ hội chia sẻ dữ liệu với giáo viên và học sinh các nước trong mạng lưới.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, để tham gia chương trình này, Nhà trường chỉ cần chuẩn bị các thiết bị như lều khí tượng, nhiệt kế…Trước mắt, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hỗ trợ nhà trường những thiết bị này. Các trường có nhu cầu tham gia chương trình sẽ đăng ký tại văn phòng GLOBE Việt Nam – Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-dia-ly-bang-do-dat-do-nuoc-quan-sat-may-1272688.tpo