Học giả Nguyễn Hiến Lê – 'lương thức của thời đại'

Học giả Nguyễn Hiến Lê không chỉ là một tác giả mà là một nhà khoa học, được mệnh danh là 'lương thức của thời đại' ông. Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê đề cập đến nhiều lĩnh vực, mà ở lĩnh vực nào ông cũng có căn cứ khoa học, am tường cặn kẽ về đối tượng, sâu sắc về các vấn đề được nhắc tới.

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tác giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,... Ông là người đầu tiên dịch và đặt tên cho cuốn sách "Đắc nhân tâm" - cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam trong nhiều năm liền.

Ông còn là người được giới trí thức và nhân dân lao động kính trọng vì nhân cách cao quý, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệ quả lao động hiếm thấy.

Đại diện Bizbooks và các diễn giả thảo luận về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Nguyễn Hiến Lê.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, ông sinh ra ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc H.Ba Vì, Hà Nội). Tốt nghiệp trường Cao đẳng Công Chính Hà Nội, ông chuyển vào phía Nam làm việc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, suốt gần nửa thế kỷ gắn bó với đất phương Nam.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo. Học giả Nguyễn Hiến Lê thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ngôn từ tiếng Việt của ông Nguyễn Hiến Lê thật tài tình, thoát ý và đầy sức sáng tạo. Ngoài dịch sách từ tiếng Pháp, tiếng Anh, ông còn dịch nhiều đầu sách từ tiếng Trung. Ông từng quả quyết: "Muốn kiểm soát sự hiểu biết của mình (về ngoại ngữ), muốn hiểu cho rõ thì phải dịch ra tiếng Việt".

Học giả Nguyễn Hiến Lê khẳng định mục đích viết sách của mình là để tự học và giúp người khác tự học. Ông luôn cẩn trọng trong quá trình làm việc, tìm niềm vui trong việc viết lách.

Ban tổ chức giới thiệu bộ sách “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê,” “Bách gia tranh minh” và “Kinh dịch" của học giả Nguyễn Hiến Lê.

Sau khi đọc và ghi chép tất cả tài liệu, ông bỏ thời gian để suy nghĩ về vấn đề đó rồi mới lập một bố cục cho tác phẩm định viết. Khi đã bắt đầu viết, ông luôn viết cho hết chương, chứ không bao giờ bỏ dở để đi làm một công việc khác. Nếu không thể hoàn thành thì ông cũng biên ra các ý trong chương rồi sau đó sẽ sửa lại.

Ông cũng khẳng định mục đích viết sách của mình là để tự học và giúp người khác tự học. “Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có sứ mạng gì cả, mà cũng không hề mong muốn được nổi tiếng. Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết. Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu là đủ cho tôi rồi. Phải thích cái mà mình viết thì độc giả mới thích nó được. Đó là quy tắc và cũng là bí quyết của tôi,” ông chia sẻ trong phần “Không quên độc giả, yêu đề tài.”

Tại Đại học quốc gia Hà Nội, công ty sách Bizbooks vừa tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề: “Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời và dấu ấn tác phẩm”. Nhân dịp này, Ban tổ chức giới thiệu bộ sách “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê,” “Bách gia tranh minh” và “Kinh dịch.”

Bộ sách “Bách gia tranh minh” gồm 8 cuốn sách của Bát Tử: Hàn Phi Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Liệt Tử, Dương Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử và Tuân Tử, giúp chúng ta hiểu thêm về thời cuộc và đạo quân tử của các bậc vỹ nhân trong lịch sử phương Đông.

Trong cuốn sách “Kinh dịch-Đạo của người quân tử”, tác giả Nguyễn Hiến Lê tìm hiểu, đối chiếu, so sánh với các bản dịch, các công trình nghiên cứu của phương Đông và phương Tây để tìm ra những điểm tương đồng và qua đó giúp độc giả thấy được giá trị đích thực của cuốn sách ở nhiều chiều khác nhau khi áp dụng vào thực tế đời sống.

Tại sự kiện, nhà sử học Lê Văn Lan nhận định rằng, Nguyễn Hiến Lê là một ông vua sách, với nhiều tác phẩm rất đáng tin, rất có giá trị. Qua cuốn“Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” với ngôn ngữ bình dị, chân dung vị học giả uyên bác hiện lên gần gũi và sống động.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/hoc-gia-nguyen-hien-le-luong-thuc-cua-thoi-dai-585403.html